Tàu đắm dưới đáy sông phát lộ do hạn hán kỷ lục

Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua đã đưa một con tàu đắm từ Thế chiến II nhô lên khỏi mặt nước trên sông Po.

Tàu đắm dưới đáy sông phát lộ do hạn hán kỷ lục

Tàu đắm từ Thế chiến II lộ diện trên mặt sông Po ở Italy. Ảnh: AP

Con tàu dài gần 50m, có tên là Zibello, từng được sử dụng để vận chuyển gỗ trong Thế chiến II trước khi bị đắm vào năm 1943. Phần lớn con tàu đã nhấn chìm dưới sông Po suốt nhiều thập kỷ sau đó và đây là lần đầu tiên nó phát lộ nhiều như vậy trên mặt nước, AP hôm 17/6 đưa tin.

Sông Po trải dài hơn 640 km, bắt nguồn từ dãy núi Cottian Alps và đổ ra biển Adriatic. Đây là con sông dài nhất ở Italy nhưng đang phải đối mặt với đợt hạn hán chưa từng có trong 70 năm qua, khiến mực nước giảm thấp đáng báo động.

“Trong những năm gần đây, bạn có thể nhìn thấy mũi thuyền, vì vậy chúng tôi biết nó ở đó. Thân tàu bắt đầu lộ ra vào tháng 3, khi trời vẫn còn là mùa đông. Tôi chưa bao giờ thấy hạn hán như vậy vào thời điểm này trong năm. Nỗi lo chính của chúng tôi trước đây là lũ lụt, nhưng bây giờ chúng tôi lại lo nó sẽ biến mất”, cư dân Alessio Bonin chia sẻ.

Tàu đắm dưới đáy sông phát lộ do hạn hán kỷ lục

Một người đàn ông đi bộ dưới lòng sông Po ở Boretto, Italy vào hôm 15/6. Ảnh: AP

Một trong những nguyên nhân chính gây ra hạn hán là do biến đổi khí hậu. AP cho biết rằng miền bắc Italy đã không thấy mưa trong hơn 110 ngày, lượng tuyết rơi đã giảm 70% trong năm nay và nhiệt độ trên mức trung bình đang làm tan chảy băng tuyết trên dãy Alps xung quanh, cướp đi một lượng nước đáng kể trong các hồ chứa tại lưu vực sông Po vào mùa hè.

Meuccio Berselli, Tổng thư ký của Cơ quan Quản lý Lưu vực sông Po, nói với AP rằng lưu lượng sông thường đạt 476.000 gallon mỗi giây, nhưng bây giờ chỉ còn 80.000 gallon mỗi giây.

Hạn hán cũng đe dọa nguồn cung cấp nước uống, nước tưới tiêu cho nông nghiệp ở vùng canh tác thâm canh nhất của Italy và ảnh hưởng đến năng suất của các nhà máy thủy điện.

Theo Đoàn Dương/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast