“Khoảng trống” trong văn học Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh vốn nổi tiếng là mảnh đất có truyền thống văn hóa đặc sắc. Trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, Hà Tĩnh đã đóng góp cho nền văn học nước nhà những tác giả văn chương kiệt xuất với những áng văn thơ bất hủ. Tuy nhiên, ngày nay, khi KT-XH đang phát triển với nhiều đề tài mới lạ thì văn chương Hà Tĩnh lại thiếu vắng những cây bút sắc sảo…

Từ sau Nguyễn Biểu (thế kỷ XV), đến giữa thế kỷ XVIII, văn chương Hà Tĩnh đã đóng góp to lớn cho văn học nước nhà bằng những tên tuổi nổi tiếng như: Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận với những áng văn thơ trác tuyệt… Điều này đã cho thấy sự tiếp nối truyền thống văn chương liền mạch giữa các thế hệ. Từ sau Xuân Diệu và Huy Cận, Hà Tĩnh tiếp tục có một số nhà văn xuất sắc như Hoàng Ngọc Hiến, Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh, Văn Linh, Đức Ban, Duy Thảo, Như Bình, Phan Trung Hiếu, Nguyễn Ngọc Phú… nhưng như nhiều nhận định, văn chương Hà Tĩnh hiện có tình trạng hẫng hụt thế hệ, có “khoảng trống” của tác giả và tác phẩm.

Mỗi kỳ đại hội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh đều ghi nhận cống hiến của những hội viên xuất sắc. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các tác phẩm văn chương có tầm vẫn là vấn đề nhiều hội viên trăn trở. Trong ảnh: BCH Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015-2020 ra mắt đại hội.

Chúng ta từng có một Hoa tiên truyện đã “góp phần thúc đẩy sự ra đời của thể loại truyện Nôm trong giai đoạn này” (giáo sư Nguyễn Lộc), một Truyện Kiều vang danh thế giới và rất nhiều nữa những áng thơ văn mà giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tài năng và sự sáng tạo của tác giả mãi mãi tỏa ánh hào quang tới muôn sau.

Vẫn biết rằng, để xuất hiện một thiên tài như những tên tuổi vừa điểm cần rất nhiều yếu tố. Mặc dù trong thời đại mới, các cây bút đã được tập hợp trong những tổ chức nghề nghiệp đặc thù, được tạo điều kiện thuận lợi cho công việc sáng tác. Tuy nhiên, trong rất nhiều thập kỷ qua, sau thời của Huy Cận, Xuân Diệu…, Hà Tĩnh ít có những cây bút có thể khắc tạc tên tuổi của mình trên văn đàn quốc gia bằng những tác phẩm có tầm tư tưởng cũng như nghệ thuật cao.

Trong báo cáo hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Tĩnh, năm nào cũng có rất nhiều hoạt động hỗ trợ sáng tác như: tổ chức trại viết trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho các công trình sáng tác của các cá nhân… Ngoài hoạt động chung của Hội Liên hiệp VHNT, hàng năm, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh cũng phối hợp với Hội VHNT tổ chức các cuộc hội thảo về văn xuôi và thơ, giao lưu với các đoàn, nhóm văn nghệ sỹ, các chi hội bạn. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để có được những tác phẩm có tầm khái quát lớn, có bản sắc riêng, phản ánh đậm nét hiện thực sôi động, phong phú, mới lạ của Hà Tĩnh, tính cách đa chiều của con người hiện đại vẫn là vấn đề được các ủy viên BCH và nhiều hội viên trăn trở.

Nhà văn Trần Đắc Túc bày tỏ mối lo ngại về sự thiếu hụt các tác phẩm văn học phản ánh hiện thực cuộc sống một cách đầy đặn trong văn chương Hà Tĩnh hiện nay tại Đại hội Chi hội nhà văn Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015-2020

Nhà văn Trần Đắc Túc cho biết: “Tình trạng còn nhiều khoảng trống trong hoạt động văn chương ở Hà Tĩnh hiện nay do nhiều nguyên nhân mà cơ bản là thiếu tác giả, hơn thế nữa, các tác giả không được sống trong bầu không khí văn chương đích thực để có thể thỏa sức phát huy khả năng, trách nhiệm của một người cầm bút. Thêm vào đó, sự quan tâm mang tính chiếu lệ, hình thức của các cấp chính quyền, sự đầu tư chưa thỏa đáng của cơ quan chủ quản đã dẫn tới tình trạng nhiều cây bút già muốn nghỉ ngơi, còn tác giả trẻ thì quan niệm “không viết khỏe hơn viết”.

Sau một thế hệ đam mê văn chương và sáng tác có trách nhiệm, có nhiều tác phẩm giá trị như nhà văn Đức Ban, Trần Đắc Túc, nhà thơ Duy Thảo… Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh cũng có những cây bút hoạt động thường xuyên, đáng trân trọng như nhà văn Phan Trung Hiếu, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, tác giả trẻ Trần Quỳnh Nga… Những tác giả này đã coi sáng tác văn chương là một lao động nghệ thuật thực sự và trên “cánh đồng” của mình, họ đã gặt hái được những thành công nhất định. Tuy nhiên, độc giả vẫn đang chờ đợi ở họ những tác phẩm ngồn ngộn chất hiện thực hơn nữa, đậm dấu ấn sáng tác hơn nữa, có tầm khái quát cao hơn nữa để có thể khẳng định tên tuổi của mình trên diễn đàn văn chương toàn quốc.

Bên cạnh đó, trong hoạt động sáng tác cũng có nhiều tác giả nhạt phai lý tưởng văn chương. Họ có năng lực sáng tạo nhưng lại thiếu đam mê, nhất là trong đội ngũ giáo viên, học sinh. Chúng ta đã từng chứng kiến sự xuất hiện của Tống Phú Sa với những tác phẩm mang đến nhiều kỳ vọng cho giới văn chương và độc giả về một “Nguyễn Ngọc Tư của Hà Tĩnh”. Tuy nhiên, hình như với chị, văn chương chỉ là một cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng. Tương tự với trường hợp của Phan Thế Dũng Toàn và một số tác giả trẻ khác. Nhà văn Trần Đắc Túc cho rằng: “Nhiều cây bút trẻ chưa có phương pháp tự vệ trước những phản ứng của dư luận xã hội đối với tác phẩm của mình nên dễ nhụt chí, tự làm chết yểu con đường sáng tác của mình”.

Việc các tác giả "cô độc" trong phát hành tác phẩm của mình cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt các tác phẩm văn chương hiện nay. Trong ảnh: "Không hẹn mùa côm cốm", tập truyện ngắn thứ 3 mà Trần Quỳnh Nga tự liên hệ để xuất bản.

Một thực tế nữa làm ảnh hưởng đến quá trình sáng tác văn chương chính là sự đi xuống của văn hóa đọc. Tình trạng người đọc ngày càng ít và nếu có cũng ít có sự tương tác với tác giả thông qua các hình thức cũng khiến tác giả cảm thấy đơn độc trong việc sáng tạo. Tác giả Trần Quỳnh Nga cho rằng: “Một tác phẩm sau khi đăng tải nếu nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả sẽ tạo nhiều động lực cho việc sáng tác. Ý kiến càng nhiều chiều, tác giả càng cảm thấy mình không đơn độc trên con đường làm đẹp đời sống bằng những giá trị văn chương đích thực, để thôi thúc mình nỗ lực hơn nữa, cống hiến nhiều hơn cho văn chương”.

Hà Tĩnh hiện có đời sống KT-XH phát triển khá sôi động. Những nghị quyết, chính sách về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người thời đại mới, cuộc cách mạng nông thôn mới đang mở rộng đề tài cũng như biên độ sáng tạo cho các tác giả. Và ít nhiều, cũng đang có một lượng độc giả nhất định đón chờ những sáng tạo, những phá cách của họ trên văn đàn. Nếu đem so sánh với lượng độc giả của Văn nghệ quân đội, Nhà văn TP Hồ Chí Minh và các hội nhà văn khác thì thấy độc giả vẫn không thờ ơ với văn chương, thậm chí, làm sao khơi dậy được ngọn lửa đam mê sáng tạo trong các tác giả Hà Tĩnh để lấp đầy những “khoảng trống” trong sáng tác văn chương, bù đắp sự hẫng hụt thế hệ? Cần cơ chế nào để các tác giả Hà Tĩnh tạo nên những tác phẩm đủ sức thu hút người đọc? Những câu hỏi này có lẽ không chỉ bản thân Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và đội ngũ sáng tác mới trả lời được.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói