Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh đã trao đổi với Báo Hà Tĩnh về nội dung này.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng tặng hoa chúc mừng các cán bộ, lãnh đạo nữ.
- Phụ nữ ngày càng vươn lên và khẳng định vị trí, vai trò của mình trên các lĩnh vực khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập. Việc hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đã được các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh triển khai trong thời gian qua. Xin bà chia sẻ cụ thể hơn về những nội dung này?
Với vai trò đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ tỉnh nhà hội nhập quốc tế.
Trong đó, tập trung triển khai Nghị quyết số 18/NQ-BCH ngày 8/1/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030 và Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 26/2/2021 về hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế năm 2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, hội phụ nữ các cấp đã thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ hội, hội viên, phụ nữ về đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác đối ngoại cho cán bộ, hội viên phụ nữ; những yêu cầu đặt ra đối với tỉnh nhà và phụ nữ trong tình hình mới, những lợi ích và tác động trái chiều của hội nhập quốc tế.
CLB “Phụ nữ với hội nhập trên môi trường mạng” phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là mô hình điểm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18 ngày 8/1/2021 của Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh có nhiều giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ hội các cấp để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu hội nhập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành và tổ chức hoạt động hội. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, bảo vệ quyền của phụ nữ trong di cư lao động, hôn nhân quốc tế…
Thời gian qua, hội tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác với 5 tổ chức quốc tế: Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM), Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HAI); Chương trình từ thiện nhân đạo của tổ chức Cotesdamor; Dự án IFAD về hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế; dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra - WOBA, giai đoạn 2018-2022 với tổng nguồn lực hỗ trợ trên 32 tỷ đồng. Các cấp hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ thành lập, nhân rộng và phát huy hoạt động hiệu quả 15 câu lạc bộ phụ nữ với chiến sỹ quân hàm xanh tại các xã biên giới.
- Cùng với các giải pháp đồng hành với phụ nữ phát triển trên nhiều lĩnh vực được thực hiện đồng bộ đã tác động như thế nào đến chị em trên hành trình vươn lên khẳng định mình, tự tin hướng tới hội nhập, thưa bà?
Qua thời gian triển khai hỗ trợ và đồng hành cùng phụ nữ trên hành trình phát triển, với nhiều cách làm hay, giải pháp sáng tạo, chị em phụ nữ tỉnh nhà ngày càng được tạo điều kiện, môi trường phát triển thuận lợi để tự tin vươn lên khẳng định vị thế, phát huy trách nhiệm, đóng góp sức lực, trí tuệ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Theo đó, số lượng phụ nữ tham gia cấp ủy, ban thường vụ các cấp, đại biểu dân cử… ngày càng tăng, có tiếng nói quan trọng trong hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Hà Tĩnh có 67 đồng chí nữ cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, 6 đồng chí trưởng các đầu ngành cấp tỉnh và tương đương, 2 đồng chí nữ Bí thư cấp huyện, 7 đồng chí nữ phó bí thư, phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện và 124 nữ bí thư, phó bí thư đảng ủy phường, xã, thị trấn. Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Thị Nguyệt, ngày 24/11/2020
Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và đề án tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ được các cấp hội triển khai tích cực. Trong đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp ngày càng đa dạng, thiết thực, hiệu quả đã giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế. Hàng nghìn ý tưởng kinh doanh, dự án của phụ nữ đã được hỗ trợ xây dựng; hàng trăm sản phẩm của hội viên phụ nữ được hỗ trợ chuyển giao công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Đến nay, đã có 91/247 sản phẩm do phụ nữ là chủ thể đạt chuẩn OCOP 3 sao và có 7/14 sản phẩm đạt 4 sao; nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ đã ứng dụng nền tảng công nghệ số trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, đặc sản của Hà Tĩnh thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Chỉ tính từ năm 2015-2021, các cấp hội đã hỗ trợ thành lập mới 450 tổ hợp tác, trên 45 HTX; tỷ lệ doanh nghiệp nữ trên toàn tỉnh đạt 15%.
Giám đốc HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương Lê Thị Khương năng động đưa sản phẩm tiếp cận sản phẩm nước mắm tiếp cận thị trường lớn.
Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với chương trình xây dựng NTM được thực hiện hiệu quả ở từng chi hội trong thời gian qua cũng đã khẳng định vai trò, sự chủ động, sáng tạo của phụ nữ trong nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng môi trường phát triển bình đẳng, tự tin để hướng tới hội nhập.
Bằng nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi, các cấp hội đã góp phần khơi dậy trách nhiệm của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; giới thiệu, quảng bá hình ảnh của quê hương, con người Hà Tĩnh nói riêng và đất nước đến với bạn bè thế giới.
- Được biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được thảo luận tại Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sắp tới là xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Xin bà chia sẻ rõ hơn về nội dung này?
Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ diễn ra từ 9-11/3/2022 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước”. Trong đó, xây dựng 1 phong trào thi đua, 1 cuộc vận động và 2 khâu đột phá.
Để thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế”. Đây cũng chính là nội dung đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 và đang được các cấp hội trong tỉnh tích cực thực hiện.
Phụ nữ Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Trong ảnh: Ca nương Phan Thị Sâm, thành viên CLB ca trù Cổ Đạm biểu diễn tại Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân, tháng 12/2021.
Theo đó, phụ nữ Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Xây dựng người phụ nữ Hà Tĩnh nhân ái, văn minh, thân thiện, góp phần xây dựng giá trị chuẩn mực con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Tuyên truyền để phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương, của tổ chức hội, nhằm khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Hà Tĩnh.
Khuyến khích các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường các hoạt động giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống tinh thần.
Hỗ trợ chị em phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức, doanh nhân, phụ nữ tài năng trên các lĩnh vực; giúp chị em có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, bản lĩnh, luôn nuôi dưỡng khát vọng vươn lên hoàn thiện, khẳng định mình và chủ động phát triển, hội nhập.
Xin cảm ơn bà!