Văn hóa chính là “căn cước” của Hà Tĩnh giúp thế giới và cả nước nhận ra những giá trị muôn đời của một vùng đất rất đặc trưng: nắng lắm, mưa nhiều, gian lao trận mạc nhưng lại thấm đẫm nhân tình và toát lên niềm vui sống, tình yêu rộng mở.
Thấm nhuần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết 33 khóa XI của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và toàn dân đã tích cực bảo tồn, phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, làm cho văn hóa Hà Tĩnh thêm phong phú, đậm đà bản sắc, con người Hà Tĩnh thêm nghĩa tình, nhân văn, sáng đẹp về tâm hồn, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Văn hóa đã thực sự trở thành mục tiêu, động lực của sự phát triển, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Khơi nguồn, bồi đắp dòng chảy văn hóa xưa để làm vốn quý cho con cháu mai sau, đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là ước mong, tâm huyết của nhiều thế hệ.
Nét xưa luôn được khơi dậy, phục hồi, hài hòa trong cuộc sống hôm nay, từ các lễ hội mùa xuân như lễ Khai hạ ở nhiều làng quê.
Lễ tế Đức Tổ Thánh thợ rèn Trung Lương - TX Hồng Lĩnh...
...đến lễ giỗ và rước kiệu đức thánh Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi vào mùa hè.
Lễ rước bằng kỷ lục Việt Nam “Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục dòng họ Ngô Trảo Nha - dòng họ có 18 quận công” - thị trấn Nghèn - Can Lộc.
Trên vùng đất này, bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, ngày xưa, nơi đâu cũng cất lên câu hát ví giặm, từ nương bãi, cánh đồng, cây đa, bến nước đến đình làng, lễ hội, những phường hội tại gia gắn với cảnh xe tơ dệt vải.
Ngày nay, từ trường học, sân khấu hội nghị, lễ hội, hội thi…, câu ví giặm càng tha thiết, đằm sâu. Đặc biệt, trên “miền đất hát” Nghi Xuân - quê hương của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ và Đại thi hào Nguyễn Du, các di sản ca trù, ví giặm, diễn xướng Truyện Kiều (chèo Kiều, lẩy Kiều, ngâm Kiều) được lớp trẻ say mê học tập và biểu diễn, làm cho bản sắc văn hóa thêm tươi mới, cho ngày xuân thêm đậm đà hương sắc.
Truyền thống đất học Hà Tĩnh luôn được thắp sáng bởi hình ảnh ông đồ xưa không chỉ hiện lên trong ngày xuân với mực tàu, giấy đỏ và nét bút như phượng múa, rồng bay của phong tục xin chữ mà còn là biểu tượng của một vùng quê luôn coi trọng sự học, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.