Máy đập liên hợp xuất hiện trên đồng đất Can Lộc. Ảnh : MT |
Phố trong làng
Đến Thiên Lộc – một xã miền núi nằm sát núi Hồng Lĩnh, nhiều người dễ nhằm là phố. Bởi nơi đây đường làng, ngõ xóm được quy hoạch rộng rãi theo ô bàn cờ và bê tông hoá đến từng nhà. Nơi có đến 25% nhà cao tầng, 100% nhà ngói mọc lên san sát và nhà nào cũng có nước sạch để sử dụng. Hai trục chính chạy qua trung tâm xã (đường Thiên - Phú và đường Quốc lộ 1- Chùa Hương Tích) dài hơn 11 km đang được mở rộng 9-12 mét cùng hệ thống đèn cao áp chiếu sáng. Tuy là đường làng, đường nội đồng nhưng được cắm mốc giới đỏ chót, rộng 3-4 mét. Hệ thống các trường học, trạm xá, trụ sở đều đạt chuẩn và tầng hóa với khuôn viên rộng rãi có bồn hoa, cây cảnh trông khá bắt mắt. Trường mần non được ngành Giáo dục tự hào đánh giá là ngôi trường đẹp nhất miền Trung.
Bí thư Đảng ủy xã Thiên Lộc Võ Nhân Nông cho biết: Sau ba năm phát động phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2, Thiên Lộc đã hoàn thành cơ bản quy hoạch: sử dụng đất, dân cư, giao thông - thuỷ lợi, khu tiểu thủ công nghiệp. Đã huy động các nguồn lực khoảng 30 tỷ đồng cho việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó nguồn đóng góp của người dân chiếm khoảng 30%. Thiên lộc đã cơ bản hoàn chỉnh hệ bê tông hoá đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và đang nâng cấp giao thông nội đồng. Là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành việc xoá hết nhà tranh tre dột nát vào năm 2003. Và cũng là một trong những xã đầu tiên của Hà Tĩnh thực hiện thành công chuyển đổi ruộng đất lần 2.
Nét mới trong chuyển đổi ruộng đất ở đây là địa phương đã chia ruộng theo khu vực gia đình, dòng họ để họ có điều kiện chuyển nhượng và tích tụ ruộng đất. Kế thừa việc chuyển đổi ruộng đất, Thiên Lộc đã quy hoạch lại đồng ruộng theo 5 vùng chuyên canh hàng hóa (vùng lúa cao sản, lúa giống, sản xuất rau màu cao cấp, trang trại -chăn nuôi tập trung…) và đưa gần 120 trang trại và gia trại (chăn nuôi tập trung kết hợp với mô hình lúa - cá - vịt) ra đồng.
Nhiều trang trại đầu tư lớn như Bình Sơn, Tuấn Sửu, Hoàng Sơn…bước đầu thu nhập từ vài trăm triệu đồng /năm trở lên. Các vùng rau chuyên canh với diện tích 100 ha (chiếm 1/5 diện tích đất canh tác) đã hình thành cho thu nhập 100-160 triệu đồng /ha…Hiện toàn xã có khoảng 700 lao động đang đi xuất khẩu lao động mỗi năm gửi về hàng chục tỷ đồng, một phần vốn đã được đầu tư vào trang trại, dịch vụ và đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Điều đáng phấn khởi, hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội của Thiên Lộc đã vượt gấp 2-3 lần kế hoạch mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra.
Thiên Lộc là một trong 8 xã của tỉnh Hà Tĩnh được công nhân đạt tiêu chí NTM giai đoạn 1 (2001-2005) và được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Khởi sắc nông thôn mới
Bí thư Huyện uỷ Can Lộc Bùi Đức Hạnh cho biếtB: Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, với tầm nhìn chiến lược, huyện lúa Can Lộc đã quy hoạch lại đồng ruộng, thông qua việc “làng ta di động, cho đất mình cày” và tập trung làm hồ đập thuỷ lợi. Có những thời điểm, Can Lộc vay 1.000 tấn thóc nuôi nhân công đắp hồ đập. Đến năm 2000, Can Lộc đã dấy lên việc làm giao thông nông thôn, xoá nhà tranh tre đột nát và làm điểm xây dựng NTM ở một số địa phương. Phong trào xây dựng NTM với tinh thần “Can Lộc” - “tinh thần Làng 130 K” (Trong kháng chiến chống Mỹ, chỉ trong một đêm, làng 130 K ở Can Lộc đã tự nguyện dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho xe ra mặt trận) nhanh chóng được nhân rộng và dần đi vào chiêu sâu, góp phần làm thay đổi diện mạo của huyện lúa.
Thông qua xã hội hoá nguồn đóng góp, Can Lộc hoàn thành xoá hơn 3.000 ngôi nhà tranh tre dột nát ngay trong năm 2005. Kế thừa kết quả cuộc vận động xoá nhà tranh dột nát, huyện đã tổ chức thực hiện tốt việc hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo QĐ 167/CP, 100% nhà ở cho nhân dân được ngói hoá, nhiều hộ có nhà cao tầng khang trang. Can Lộc đã huy động hàng chục tỷ đồng, xây dựng nâng cấp trên 3 vạn công trình, gồm nhà tắm, bể nước, nhà vệ sinh và đi đầu trong việc thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Một thành công trong xây dựng NTM ở Can Lộc là đã huy động các nguồn lực để chỉnh tranh bộ mặt nông thôn và đầu tư xây dựng cơ sở tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tổng giá trị xây dựng cơ bản trong 5 năm qua đạt 1.159 tỷ đồng, tăng gấp hai lần mục tiêu đề ra, trong đó nguồn của nhân dân đóng góp chiếm 30%.
Xã Khánh Lộc tiếp tục thực hiện chủ trương đưa đường bê tông ra đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hoá sản xuất |
Phong trào làm đường bê tông được đẩy mạnh, là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh được Bộ Giao thông vận tải tặng cờ thi đua xuất sắc. Các tuyến đê sông, kênh mương cơ bản được nâng cấp, kiên cố hoá. Hầu hết các trường học, trụ sở xã, thị trấn được cao tầng, kiên cố hoá. Công trình trọng điểm, như hồ đập, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được triển khai thi công. Can Lộc đang tập trung cắm mốc chỉ giới đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phù hợp với nhu cầu phát triển...
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, huyện lúa này đang quan tâm nối tiếp, phát huy truyền thống huyện học, tập trung xây dựng đời sống văn hoá nông thôn, xây dựng nét đẹp con người Can Lộc, và giữ vững an ninh nông thôn…
Đến nay, có 50% số xã đã hoàn thành được 1/2 các tiêu chí NTM theo QĐ 491/TTg. Trong đó, Thiên Lộc đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Can Lộc Võ Thúc Đồng khẳng định: Điểm nhấn của Can Lộc là địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh hoàn thành chuyển đổi ruộng đất lần 2, từ chỗ 320.000 thửa ruộng nay chỉ còn 62.000 thửa, bình quân 2, 2 thửa ruông/hộ. Trong đó, 25% số hộ sản xuất chỉ có một thửa ruộng. Đồng thời, hoàn thành nhiều quy hoạch (sử dụng đất, dân cư, giao thông…) phạm vi toàn huyện. Qua chuyển đổi ruộng đất và tích tụ ruộng đất mà người dân đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, đưa sản lượng lương thực từ 6, 2 vạn tấn lên 8 vạn tấn/năm và nâng giá trị thu nhập từ 35 triệu đồng /ha gieo trồng lên 50 triệu đồng /ha (năm 2009). |
Thông qua chuyển đổi ruộng đất mà Can Lộc đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá như ở Thiên Lộc, Khánh Lộc…; đồng thời, đưa gần 1.000 trang trại ra đồng với các mô hình: Lúa – cá- vịt kết hợp với chăn nuôi lợn cho thu nhập trên 100 triệu đồng /ha, xuất hiện một số ông chủ trang trại thu nhập 300-500 triệu đồng /năm. Nhờ quy hoạch lại đồng ruộng, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng và các chính sách hỗ trợ khác mà người dân Can Lộc đã mua hàng ngàn máy nông nghiệp, xe vận tải, máy tuốt lúa, máy bơm, máy gặt đập liên hợp… đẩy nhanh quá trình cơ giới hoá, tạo tiền để cho nông nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn. Mới đây, nông dân ở Khánh Lộc đã đầu tư hai máy gặt đập công suất lớn, giúp cho việc thu hoạch lúa xuống còn phân nửa thời gian và giảm đáng kể áp lực nhân công trong sản xuất nông nghiệp để tập trung vào mảng dịch vụ, thương mại.
Phát triển kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân Can Lộc |
Bộ mặt các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc. Kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tốt, đời sống nông dân ấm no, không có hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh, số hộ làm ăn khá giả tăng lên rõ rệt. Hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết Đại hộ Đảng các cấp hoàn thành trước thời gian đã phần nào khẳng định thành công bước đầu của phong trào xây dựng NTM ở Can Lôc. Điều quan trọng lúc này mà lãnh đạo huyện Cân Lộc đang tập trung giải bài toán: tạo đột phá kinh tế, bứt khỏi huyện thuần nông? có như vậy mới xứng đáng truyền thống quê hương cánh mạng anh hùng và nơi có Ngã ba Đồng Lộc anh hùng.