Khởi tố vụ 8 "doanh nghiệp ma” chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Chiều 28/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; mua, bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng" tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc.

Nguyễn Thị Dậu và Lê Văn La đã lập công ty ma, mua bán hóa đơn trái phép chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Ảnh: VGP/Doãn Tấn
Nguyễn Thị Dậu và Lê Văn La đã lập công ty ma, mua bán hóa đơn trái phép chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Ảnh: VGP/Doãn Tấn

Cơ quan cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Văn La, sinh năm 1963, ở tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội, là nhân viên công ty này về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; mua trái phép hóa đơn giá trị gia tăng" theo điều 280 và 164a Bộ Luật hình sự.

Khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Dậu (sinh năm 1967) trú tại Lô 34, Đầm Hồng, Thanh Xuân, Hà Nội về hành vi "Bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng" theo điều 164a Bộ Luật hình sự. Các quyết định trên đều được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, Lê Văn La là nhân viên kinh doanh Phòng xuất nhập khẩu, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Mỏ Việt Bắc (có 20% vốn nhà nước, trước đây là Chi nhánh Tổng công ty Cổ phần Mỏ Việt Bắc) phối hợp với Nguyễn Thị Dậu thành lập 8 "doanh nghiệp ma" để bán hóa đơn nhằm hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc cho Lê Văn La.

Tại những vụ vi phạm này, Lê Văn La chịu trách nhiệm liên hệ với khách hàng là Công ty khai thác Mỏ tại Quảng Ninh có nhu cầu mua vật tư thiết bị, thay thế cho máy móc, phương tiện hư hỏng. Nguồn hàng do Lê Văn La cung cấp cho các công ty này là vật tư cũ, trôi nổi trên thị trường, sau đó được hợp thức trên hợp đồng mua bán là hàng mới 100%, có nguồn gốc Nhật, Mỹ, Đức.

Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt một số lượng lớn tiền thuế, cũng như hưởng chênh lệch bất hợp pháp từ việc nâng khống giá trị hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó trưởng phòng PC 46, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cho biết, các đối tượng vi phạm thường sử dụng thủ đoạn mượn chứng minh thư nhân dân và xin phép đăng ký kinh doanh để thành lập các công ty “ma.”

Khi có tư cách pháp nhân, các công ty này đã dùng thủ đoạn ghi hóa đơn liên 2 cấp cho khách hàng với giá trị cao. Song, liên 1 và 3 dùng để khai thuế thường chỉ ghi số lượng nhỏ; đồng thời, mua hóa đơn trôi nổi hợp thức hóa đầu vào.

Từ năm 2010-2014, Lê Văn La đã chuyển 144 tỷ đồng cho các công ty “ma” của Nguyễn Thị Dậu. Sau đó, Dậu đến ngân hàng rút tiền, giữ lại 5-10% (tiền hoa hồng đã thỏa thuận với Lê Văn La) rồi chuyển lại 90-95% tiền mà Công ty Việt Bắc vào tài khoản của La.

Hiện, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng vụ án./.

Theo Vietnam+

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.