Hiện tại, đã có 67 con trâu, bò trên địa bàn huyện Hương Khê bị mắc bệnh LMLM.
Dịch LMLM được phát hiện đầu tiên tại xã Gia Phố vào ngày 04/11/2019, tiếp sau đó là xã Phúc Đồng, Hương Thủy và xã Hương Trạch vào ngày 02/12/2019. Dịch LMLM đã xẩy ra trên địa bàn Hương Khê đã làm cho 67 con trâu, bò (15 trâu, 52 bò) của 39 hộ/10 thôn của 4 xã mắc bệnh.
Trong đó, Phúc Đồng là địa phương hiện có đàn trâu, bò “dính” bệnh LMLM nhiều nhất huyện với 30 con.
Trâu bị bệnh bắt buộc cách ly nhưng hộ gia đình chị Võ Thị Yến (thôn 6, xã Phúc Đồng) vẫn thả rông ra ngoài
Trong khi huyện và xã đã và đang tập trung chỉ đạo khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, thì vào ngày 4/12, khi chúng tôi đến, gia đình chị Võ Thị Yến (ở thôn 6, xã Phúc Đồng) có đàn trâu đang bị bệnh LMLM vẫn chăn thả ra ngoài. Mặc dù trước đó gia đình chị đã ký vào bản cam kết không thả rông gia súc mắc bệnh. Chị Yến lý giải: Trâu của gia đình chị phát bệnh từ ngày 24/11 đến nay chữa trị gần khỏi. Do đó, gia đình mới thả trâu ra ngoài cho ăn cỏ.
Đáng lẽ, vùng dịch LMLM phải được kiểm soát chặt chẽ, thế nhưng, một số hộ dân ở đây vẫn vô tư thả trâu bò bị bệnh ra ngoài. Điều này cho thấy, người dân thiếu ý thức về phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, hết sức thờ ơ, chủ quan với tài sản của mình.
Qua quan sát, chuồng trại của các hộ có gia súc bị bệnh không được vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh có thể tiếp tục bùng phát, lan ra diện rộng.
Chuồng trại lại không được quét dọn, vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao
Khi chúng tôi cùng cán bộ thú y huyện, lãnh đạo xã Hương Thủy đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh LMLM trên địa bàn thì bà Lê Thị Vịnh (thôn 1) đến báo tin: Một con bò của gia đình có dấu hiệu “dính” bệnh.
Theo bà Vịnh, con bò có triệu chứng lở mồm, nước dãi chảy nhiều được gia đình phát hiện 3 ngày trước hiện đang nuôi nhốt cùng với 4 con trâu, bò khác trong chuồng. Tuy nhiên, vì bận rộn nên bà không có thời gian báo với chính quyền địa phương để được hướng dẫn chữa trị.
Gia đình bà Lê Thị Vịnh phát hiện bò bệnh nhiều ngày nhưng vẫn không báo với chính quyền địa phương
Sau khi kiểm tra, cán bộ chuyên môn nhận định con bò trên bị mắc bệnh LMLM, đề nghị gia đình bà Vịnh cách ly ngay với các con trâu, bò khác trong chuồng để tránh lây lan, đồng thời tiến hành vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng.
Từ trường hợp của gia đình bà Vịnh cho thấy, nhận thức của người chăn nuôi về cách phòng tránh dịch bệnh còn rất hạn chế. Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu bị bệnh không cách ly ngay với những con trâu, bò khỏe mạnh khác. Đáng nói hơn, gia súc bị mắc bệnh nhiều ngày nhưng không báo với chính quyền địa phương.
Người chân nuôi cần nâng cao ý thức trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc
Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê cho biết: Sau khi dịch bệnh LMLM xẩy ra, huyện chỉ đạo các xã có dịch tập trung triển khai các biện pháp khống chế, bao vây các ổ dịch.
Theo đó, cán bộ chuyên môn huyện, xã trực tiếp hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, chữa trị cho đàn gia súc mắc bệnh. Huyện cũng đã kịp thời cung ứng vắc-xin LMLM để tiêm phòng bao vây, đồng thời cấp cho các xã hơn 100 lít hóa chất tiêu độc khử trùng. Ngoài ra, tổ chức thông báo trên hệ thống truyền thanh xã, thôn cho các hộ chăn nuôi biết để chủ động các biện pháp phòng tránh...
“Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc ở Hương Khê gặp nhiều khó khăn, trước hết là ý thức của người dân còn rất chủ quan. Có một số hộ khi gia súc bị bệnh không kịp thời báo với thú y xã. Mặc dù được cán bộ chuyên môn hướng dẫn chữa trị nhưng không làm theo, thậm chí có hộ tự mua thuốc nam về điều trị nên không hiệu quả. Bởi vậy, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn trong thời gian tới là rất đáng lo ngại” – ông Anh lo lắng.