Tiền lẻ cuối năm: Ngân hàng “khóa sổ”, “chợ đen” sôi động

(Baohatinh.vn) - Còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, đây là thời điểm các dịch vụ đổi tiền lẻ trên địa bàn Hà Tĩnh bắt đầu “rục rịch” vào mùa mặc dù các hành vi thu đổi, “ăn” lời chênh lệch đều vi phạm pháp luật.

Tiền lẻ cuối năm: Ngân hàng “khóa sổ”, “chợ đen” sôi động

Từ 1/12 đến đầu tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cung cấp tiền lẻ mệnh giá dưới 5.000 đồng in mới

Từ 1/12/2019 đến đầu tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương không cung cấp tiền mới mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống nhằm thực hiện nhiệm vụ điều hòa tiền mặt cho nền kinh tế.

Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh cho hay: “Chủ trương này đã được thực hiện nhiều năm. Việc điều hòa tiền tệ đã diễn ra suốt cả năm chứ không riêng gì tháng cao điểm. Việc không cung cấp tiền mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán nhằm hạn chế tình trạng sử dụng tiền không đúng mục đích.

Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh vẫn cung ứng đủ cơ cấu, đủ các mệnh giá cho các ngân hàng thương mại trên địa bàn để đảm bảo các thanh toán, chi trả”.

Tiền lẻ cuối năm: Ngân hàng “khóa sổ”, “chợ đen” sôi động

Các ngân hàng phải cân đối và phân phối hợp lý nhằm đảm bảo tiền mặt nhưng phải đảm bảo cơ cấu, mục đích sử dụng

Ông Đặng Xuân Hùng - Giám đốc Phòng giao dịch Vietcombank Kỳ Anh cho biết: “Thị xã Kỳ Anh là trung tâm thương mại, giao dịch lớn nhất khu vực phía nam Hà Tĩnh. Nhu cầu giao dịch, thanh toán của cá nhân, tổ chức rất lớn, nhất là vào dịp trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Phòng vẫn cân đối đủ để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.”

Thực trạng từ nhiều năm nay, cứ gần tết thì nhu cầu tiền lẻ lại “nóng”. Ngoài nhu cầu lưu thông, thối lại thì hầu hết người dân đều muốn đổi tiền lẻ, nhất là tiền mới để đi đền, chùa hay mừng tuổi vào năm mới. Trong khi các ngân hàng đã “khóa sổ", không phát hành nhiều tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán nhằm tránh lãng phí và tiêu cực phát sinh. Điều này khiến cho thị trường “chợ đen” đổi tiền lẻ lấy chênh lệch có dịp sôi động.

Theo thông tin của phóng viên, vào thời điểm này, một số đầu mối, thường là những đối tượng có liên quan đến hoạt động kinh doanh tài chính đã bắt đầu “gom” mối. Tùy loại tiền mới hay tiền đã qua sử dụng, số tiền sẽ được định giá giao dịch và “tung” ra thị trường vào dịp áp tết.

Tiền lẻ cuối năm: Ngân hàng “khóa sổ”, “chợ đen” sôi động

Tiền lẻ được “rao đổi” thu phí khá công khai trên mạng xã hội

Khi đặt vấn đề đổi tiền để đi chùa, một chủ đổi tiền lẻ cam đoan: “Mệnh giá nào cũng có, chị cứ đặt và hàng sẽ giao khi có. Giá thì đã có sàn chung, tầm này còn dễ có hàng chứ để đến sát tết thì vừa hiếm, giá lại cao nữa”.

Giá “sàn” mà chúng tôi tìm hiểu chính là “10- 20”, tức là từ 10% - 20% chênh lệch số tiền được đổi. Mệnh giá càng nhỏ thì mức phí càng cao, chẳng hạn với loại 5000 đồng thì người đổi phải chịu phí khoảng 20%/cọc; các loại mệnh giá từ 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng thì tỷ lệ đổi từ 5 - 10%/cọc. Thậm chí, những loại mệnh giá nhỏ chủ yếu phục vụ đi đền, chùa như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng thì giá đổi cao ngất ngưỡng và càng gần tết càng cao.

Tiền lẻ cuối năm: Ngân hàng “khóa sổ”, “chợ đen” sôi động

Không chỉ tiền Việt Nam đồng mà ngoại tệ cũng được các trang mạng “chào hàng”

Ngoài tiền Việt Nam đồng, nhiều năm gần đây, thị hiếu mừng tuổi bằng USD cũng khiến thị trường này rầm rộ hơn. Không ít chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên địa bàn đã “thủ sẵn” hàng để bán, đổi ngoại tệ, nhất là tờ mệnh giá 2 USD - nhiều người quan niệm là mang lại may mắn.

Lộ liễu hơn, nhiều trang mạng xã hội zalo, facebook thậm chí còn “post” ảnh quảng cáo. Mặc dù ngân hàng đã “khóa sổ” thì những địa chỉ này vẫn cam đoan cung ứng đủ mệnh giá và tiền “cọc seri” với những lời mời chào “bắt mắt”: “Đổi tiền chuẩn cọc seri”, “Tất cả tiền từ ngân hàng nhà nước nguyên tệp, seri lũy tiến”...

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh, tiền lẻ không hề khan hiếm và việc cơ cấu cung ứng tiền lẻ cuối năm không làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng phải đúng mục đích, tuân thủ quy luật của tiền tệ.

Việc cá nhân, tổ chức hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch là hành vi trái pháp luật, được xử lý mức phạt từ 20 đến 40 triệu đồng đối với các cá nhân vi phạm và gấp hai lần đối với tổ chức vi phạm.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast