Kính viễn vọng 10 tỷ USD phát hiện vòng xoáy tím kỳ lạ

Vòng xoáy bụi của thiên hà xoắn ốc NGC 628 thu hút sự chú ý của giới khoa học với màu tím độc đáo.

Kính viễn vọng James Webb của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa hỗ trợ tạo ra hình ảnh thiên hà xoắn ốc NGC 628. Bức ảnh thu hút sự chú ý của giới khoa học với vòng xoáy bụi của thiên hà có màu tím, thể hiện thành phần hóa học độc đáo.

Theo The Independent, hình ảnh được tạo ra nhờ kết hợp dữ liệu từ 3 bộ bước sóng khác nhau. Chúng được ghi nhận bởi hệ thống quan sát hồng ngoại tầm trung (MIRI) của James Webb rồi gửi về Trái Đất, lưu tại Kho lưu trữ Barbara Mikulski dành cho Kính viễn vọng Không gian (MAST) để mọi người truy cập và tải xuống.

Vòng mây màu tím tại trung tâm thiên hà NGC 628. Ảnh: Gabriel Brammer.

Tiến sĩ Gabriel Brammer từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã tải dữ liệu, chuyển bước sóng hồng ngoại sang màu đỏ, xanh lá và xanh dương rồi kết hợp để tạo ra bức ảnh hoàn chỉnh.

“Nếu mắt chúng ta có thể nhìn thấy bước sóng hồng ngoại tầm trung, bầu trời đêm sẽ giống như bức ảnh này, rất ngoạn mục và có lẽ hơi khiếp sợ”, Tiến sĩ Brammer chia sẻ.

Theo NewScientists, ánh sáng của NGC 628 từng được nhiều kính viễn vọng khác ghi nhận, bao gồm Hubble. Những hình ảnh thể hiện trạng thái của NGC 628 khá giống Dải Ngân hà. Bức ảnh mới nhất từ James Webb tiết lộ nhiều chi tiết mà mắt người không thể nhìn thấy.

“Khi quan sát bằng Hubble hoặc kính viễn vọng mặt đất, bạn sẽ thấy ngôi sao màu xanh dương, màu đỏ, vòng xoắn ốc và những làn bụi”, Brammer cho biết. Tuy nhiên khi quan sát bằng ánh sáng hồng ngoại trung, chúng ta sẽ thấy rõ khí và bụi của thiên hà, thay vì chỉ có những ngôi sao đơn thuần.

Brammer cho biết quá trình xử lý dữ liệu để tạo ra hình ảnh “đơn giản đến kỳ lạ”. Ông Brammer nhận xét quy trình xử lý và phân phối dữ liệu từ James Webb được cải thiện đáng kể, giúp các nhà thiên văn học lẫn nghiên cứu sinh không chuyên đều có thể truy cập và phân tích.

Michael Merrifield, nhà thiên văn học từ Đại học Nottingham (Anh) cho biết màu tím trong bức ảnh đã xử lý đến từ thành phần hóa học độc đáo của đám mây khí trong NGC 628. Chúng chủ yếu được tạo từ các phân tử lớn, gọi là hydrocarbon thơm đa vòng.

Những phân tử này chỉ phát ra bước sóng ánh sáng cụ thể. Do đó khi tham chiếu bước sóng sang các màu đỏ, xanh lá và xanh dương, màu xanh lá sẽ hiện lên ít nhất. Kết hợp lại, màu đỏ và xanh dương sẽ tạo thành màu hồng tím.

Dữ liệu bước sóng được James Webb ghi nhận vào 12h trưa 17/7 (giờ Mỹ) nên giới khoa học chưa thể phân tích sâu. Tuy nhiên, từ hình ảnh của Brammer, một số nhà khoa học cho rằng sẽ có nhiều điều thú vị để nghiên cứu.

Hình ảnh của NGC 628 được ghi nhận bởi kính viễn vọng Hubble. Ảnh: NASA

Theo Merrifield, dữ liệu cũng có thể giúp chúng ta biết được quá trình bụi được tạo thành và phân bổ trong các thiên hà. Tuy nhiên, dữ liệu của James Webb quá chi tiết và cụ thể, nên sẽ khó phân tích toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của thiên hà.

Kính viễn vọng James Webb được phóng từ tháng 12/2021 và hoạt động từ đầu tháng 7 sau khi hiệu chỉnh. Nhiệm vụ chính của James Webb là cung cấp những hình ảnh chi tiết, giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc vũ trụ, tìm ra manh mối về sự hình thành, tồn tại của con người và sự sống ngoài Trái Đất.

Với những công cụ mạnh mẽ, các nhà khoa học còn sử dụng James Webb để phân tích các vật thể, hiện tượng vũ trụ, bao gồm nhóm hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời như Mộc tinh. Tuần trước, nhóm nghiên cứu James Webb đã chia sẻ loạt ảnh màu chi tiết về một số khu vực trong vũ trụ.

Theo Zing

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.