Những ngày này, các nhà trường đang tranh thủ thời gian để củng cố kiến thức cho các em (Trong ảnh:Giờ luyện thi ở Trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên)
Thực tế, tỷ lệ thí sinh đăng ký bài thi KHXH áp đảo so với đăng ký bài thi khoa học tự nhiên không phải là xu thế mới mà đã thành quen thuộc từ năm 2017, khi bài thi KHXH được đưa vào thành một trong những bài thi của Kỳ thi THPT quốc gia. Với quy định, thí sinh có thể chọn một trong hai bài thi KHXH hoặc khoa học tự nhiên để xét tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh đã lựa chọn bài thi KHXH.
Năm nay, toàn Trường THPT Lê Quý Đôn (Thạch Hà) có 380 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 95 em đăng ký thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên, chiếm tỷ lệ 25%. Tương tự, Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) năm nay có 504 học sinh đăng ký dự thi thì có 369 em đăng ký thi tổ hợp KHXH, chiếm tỷ lệ 73,21%.
“Lý do phần lớn học sinh lựa chọn tổ hợp KHXH là các môn tương đối gần gũi với cuộc sống. Học sinh có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án. Đây cũng là lựa chọn của các thí sinh chủ yếu đăng ký để xét tốt nghiệp” - Thầy Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) cho biết.
Cũng theo phân tích của nhiều giáo viên dạy các môn KHXH, nhìn vào phổ điểm thi các năm trước, nhiều học sinh lựa chọn môn KHXH vì tính thực tế. Đặc biệt, trong số đó, môn Giáo dục công dân được xem là môn cứu điểm cho học sinh bởi phổ điểm trung bình của bộ môn này cao hơn rất nhiều so với môn Lịch sử và Địa lý.
Học sinh Trường THPT Đồng Lộc cùng nhau luyện đề môn Địa lý
Cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên bộ môn Giáo dục Công dân, Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê) cho biết: “Trước đây, Giáo dục công dân được xem là môn phụ thì nay lại được học sinh quan tâm và xem là môn cứu điểm trong tổ hợp KHXH bởi đây là môn gắn liền với thực tiễn cuộc sống học sinh bằng những tình huống cụ thể hay những sự việc đang diễn ra hàng ngày.
Để giúp thí sinh "ăn" điểm ở bộ môn này, thời gian qua, ngoài việc phân nhóm học sinh theo năng lực, ôn luyện bám sát, tôi còn lấy ý kiến học sinh trên trang facebook cá nhân về mong muốn được cập nhật bổ sung những phần kiến thức gì để từ đó giảng dạy, ôn tập điều học sinh cần. Ngoài ra, việc cập nhật kiến thức cho các em cũng hết sức linh hoạt và liên hệ những tình huống thực tế để các em cũng cố những kiến thức, hiểu biết về pháp luật”.
Thống kê từ thực tế, đối với thí sinh thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển đại học phần đông đều chọn bài thi khoa học xã hội. Với các thí sinh này, việc lựa chọn bài thi KHXH nhiều không hẳn do các em thích những môn học này mà đây được xem là giải pháp an toàn khi kiến thức những môn KHXH gần với thực tế, dễ ăn điểm và hạn chế điểm liệt.
Tại các nhà trường, đây là tuần ôn tập cuối cùng nhằm giúp các em hệ thống lại kiến thức trước khi bước vào Kỳ thi THPT quốc gia
Em Trần Thị Dung - Lớp 12E, Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Tham khảo đề qua Kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, em thấy bài thi KHXH có phần đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Chọn bài thi KHXH cũng giúp em giảm được áp lực tâm lý, bởi nếu chịu khó ôn tập thì cũng có nhiều cơ hội ăn điểm. Đặc biệt, đối với môn Địa lý, thí sinh được phép mang Atlat địa lý vào phòng thi nên em chỉ cần rèn luyện kỹ năng nhận dạng biểu đồ, kỹ năng tính toán, nhận xét và sử dụng Atlat là có thể ăn chắc một số điểm nhất định”.
Lịch sử được xem là bộ môn khó nhất trong tổ hợp bộ môn KHXH. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên bộ môn, đề thi thử Lịch sử năm nay của Bộ GD&ĐT không đánh đố thí sinh, có xu hướng an toàn hơn và tỷ lệ các câu hỏi khó đã giảm 15%. Tỷ lệ câu hỏi nằm trong phần kiến thức lớp 12 chiếm gần 90%. Các câu hỏi thuộc chương trình kiến thức lớp 11 chủ yếu ở mức độ nhận biết; thông hiểu và vận dụng, không có câu hỏi vận dụng cao.
Điều đáng mừng đối với học sinh đó là trong đề thi Lịch sử không có kiến thức chương trình lớp 10 , loại bỏ hẳn dạng bài yêu cầu ghi nhớ máy móc mốc thời gian, sự kiện lịch sử.
Kỳ thi THPT năm 2019, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức 5 bài thi: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm; bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. |