Vợ chồng chị Hằng kết hôn hơn một năm nay nhưng chị cũng ít tiếp xúc với những người hàng xóm mới ở nhà chồng. Vì điều kiện kinh tế còn chật vật, lại sống chung với gia đình chồng có đông thành viên nên vợ chồng chị còn “kế hoạch” chuyện con cái. Bố mẹ chồng chị chưa có ý kiến gì về chuyện đó mà bà Hoan - hàng xóm nhà chị đã “sốt ruột” hộ.
Nhiều “camera” hàng xóm hoạt động tích cực (Ảnh Internet).
Hôm nọ, chị Hằng vô tình nghe bà Hoan ngồi vỉa hè buôn chuyện cùng các “đồng nghiệp” rằng: “Cái Hằng mãi không thấy đẻ, không khéo có vấn đề gì rồi cũng nên. Bọn trẻ bây giờ nhiều đứa sống buông thả nên cưới về mãi chẳng đẻ được!”.
Bực mình vì bị hàng xóm bịa đặt và soi mói cuộc sống riêng nhưng chị Hằng vẫn giữ bình tĩnh để không to tiếng với họ. Thế nhưng, nỗi ấm ức thì vẫn âm ỉ khiến chị càng thêm xa lánh những người hàng xóm nhiều chuyện. Mỗi lần đi ngang qua họ, chị cố đi thật nhanh, chẳng buồn chào hỏi ai.
Mai Anh (18 tuổi) cũng đau đầu không kém với các bác hàng xóm. Lên lớp 12 - năm cuối cấp “nước sôi lửa bỏng” nên lúc nào bố mẹ Mai Anh cũng quán triệt con chuyện học hành và bản thân Mai Anh cũng rất ý thức.
Hàng xóm nhiều chuyện, soi mói là nỗi “ám ảnh” của nhiều người (Ảnh Internet).
Thế nhưng, một hôm đi học về, Mai Anh bị mẹ mắng vì tội không lo học mà “yêu đương nhăng nhít”. Bất ngờ vì bị mắng oan, Mai Anh gặng hỏi thì mới hay, các bác hàng xóm mách với mẹ cô là: “Nhiều lần thấy “bạn trai” con bé Mai Anh thập thò ngoài ngõ, còn mua cả đồ ăn, thức uống mang đến. Hai đứa dấm dúi với nhau suốt!”.
Nghe xong, Mai Anh phải bật cười và không khỏi thán phục tài “viết kịch bản” của các cô, các bác hàng xóm. Sự thật là bận học bài, cùng với tâm lý e ngại dịch bệnh nên Mai Anh thường đặt mua hàng qua mạng. Cô dở khóc, dở cười nói với mẹ: “Sao mẹ cứ đi nghe người ngoài nói linh tinh thế! Những “bạn trai dấm dúi ngoài ngõ” mà hàng xóm nhà mình nói là các anh nhân viên ship hàng đấy ạ! Khổ quá cơ!”.
Sự soi mói từ những người “nhiều chuyện” như hàng xóm của chị Hằng hay Mai Anh luôn khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, việc “bán anh em xa mua láng giềng gần” là điều rất cần thiết, bởi hàng xóm là những người “ăn đời ở kiếp” với nhau. Cũng chính vì thế, thay vì bức bối, khó chịu, mỗi người nên tìm cách dung hòa mối quan hệ này để tình cảm xóm làng chan hòa.
Biết cảm thông, sẻ chia để tình làng nghĩa xóm thêm chan hòa là cách để đẩy lùi tình trạng hàng xóm thêu dệt chuyện nhà người khác.
Đó cũng là điều mà mẹ chồng chị Hằng khuyên chị. Nghe lời mẹ, chị Hằng chủ động chào hỏi, trò chuyện với hàng xóm nhiều hơn. Dần dần, những người hàng xóm “khó ưa” ngày trước cũng trở nên thân thiện, cởi mở hơn với chị. Thậm chí, có hôm chị đi làm về bị cảm nắng mà người nhà lại đi vắng hết, các bác hàng xóm người dắt hộ xe, người pha nước cam cho chị uống.
Dẫu chỉ là chuyện nhỏ nhưng chị Hằng ngẫm ra, đúng là trong cuộc sống có không ít người vẫn còn những tính xấu hay để ý, đàm tiếu về cuộc sống của người khác. Tuy nhiên, nếu mỗi cá nhân trong cộng đồng biết mở lòng sẻ chia hoàn cảnh, cảm thông, quan tâm nhau thì tình cảm láng giềng sẽ được vun đắp bền lâu.