Làng Quảng Phú Cầu ở ngoại ô Hà Nội là một trong số những làng nghề làm hương truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Trong những con ngõ nhỏ của làng, nhiều gia đình vẫn tiếp nối, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống mà cha ông để lại suốt hàng trăm năm qua. Theo quy trình làm hương tại đây, tre sẽ được cho vào máy chẻ chân hương. Người dân sau đó sẽ nhúng chân hương vào các thùng thuốc nhuộm rồi bó lại như những bông hoa, phơi khô tự nhiên tại sân nhà, dọc các con đường...
Trước đây, chân hương thường được nhuộm màu hồng hoặc đỏ; song, ngày nay, người dân nhuộm thêm các màu như vàng, xanh lam, xanh lá cây... để phục vụ nhu cầu chụp ảnh check-in của người dân, du khách.
Gia đình chị Đặng Thị Hoa, 45 tuổi, ở làng Quảng Phú Cầu có 3 đời giữ nghề làm hương. Riêng chị Hoa theo nghề từ 30 năm trước. Theo chị Hoa, ngoài việc sản xuất hương phục vụ tiêu dùng, ngày nay, làng Quảng Phú Cầu đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch. “Tôi tự hào về nghề truyền thống của gia đình và cũng cảm thấy vui mừng khi làng mình ngày càng được nhiều người biết đến. Tôi cũng có thêm nguồn thu nhập”, chị Hoa vui vẻ nói.
Hàng trăm bó chân hương nhiều màu sắc đang được xếp thành hình bản đồ Việt Nam khổng lồ tại sân một ngôi chùa trong làng Quảng Phú Cầu. Những ngày trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đã đến làng chụp ảnh check-in. Với chi phí chỉ 50.000 đồng (tương đương 2 USD), du khách có thể thoải mái chụp ảnh với những bó chân hương nhiều màu sắc của các gia đình trong làng. Một số gia đình còn dựng cầu thang bằng kim loại để du khách thuận tiện chụp những bức ảnh từ trên cao.
Trả lời phỏng vấn AFP, chị Catherine Caro đến từ Philippines cho biết: “Nơi này rất đẹp, rất nhiều màu sắc và thực sự là một nơi đáng đăng trên Instagram”.
Được biết, ngoài tiêu thụ tại địa phương, hương làng Quảng Phú Cầu còn được vận chuyển đi nhiều tỉnh thành khắp cả nước và xuất đi nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia...