Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

(Baohatinh.vn) - Tại hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp sáng nay (9/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải tập trung cao hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%.

Điểm cầu Hà Tĩnh do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng điều hành. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Nguyễn Hồng Lĩnh, Đặng Ngọc Sơn cùng đại diện các doanh nghiệp.

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Để ngọn lửa tăng trưởng sớm bùng lên trở lại

Phát biểu khai mạc hội nghị với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Cần năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự của doanh nghiệp là tự mình đánh mất cơ hội…

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ: Phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %.

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Nguyễn Hồng Lĩnh, Đặng Ngọc Sơn cùng đại diện các doanh nghiệp.

Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh

Báo cáo về tác động của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã có khoảng 86% doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao.

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Sau dịch Covid-19 là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tập trung đổi mới trang thiết bị tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

“Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, trong đó khu vực DN nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh cao nhất với gần 50% số DN. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ DN bị thiếu hụt vốn cao nhất với trên 51% số DN” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ xác định các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hụt để định hướng cho DN dịch chuyển cơ cấu sản xuất thay thế nhập khẩu.

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh

Cụ thể, khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày... Phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu. Đồng thời, liên kết giữa DN sản xuất nguyên phụ liệu với các DN sản xuất sản phẩm tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như xúc tiến lưu thông hàng hóa, kết nối và đa dạng hóa thị trường đầu ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Nghiên cứu các chính sách tài khóa mạnh hơn như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ cụ thể để giúp DN giảm giá thành sản phẩm…

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc báo cáo tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của DN, hiệp hội DN; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của DN đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ DN.

Hội nghị cũng đã nghe nhiều ý kiến của cộng đồng DN, hiệp hội, chuyên gia thể hiện quyết tâm vượt khó, có chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước phát triển. Các DN cũng thẳng thắn đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của DN đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ thời gian tới.

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng báo cáo kết quả triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành địa phương trả lời về các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của DN trong lĩnh vực, ngành phụ trách.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Covid-19 là đại dịch nhưng cũng là cơ hội của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, biết kinh doanh tốt và hợp tác tốt.

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Khẳng định vị trí DN là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng yêu cầu các DN không được trông chờ, ỷ lại; phải tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản lý để phát triển bền vững; phát triển mạnh mẽ KHCN, nhất là cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất.

“Các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển; đặc biệt là các DN nhỏ và vừa bị tác động rất lớn. Đó là giải quyết nhanh các thủ tục, quan tâm xử lý kiến nghị DN, không được “đảo qua, đảo lại” làm mất cơ hội kinh doanh của DN” - Thủ tướng nhấn mạnh.

“Doanh nghiệp Việt Nam cũng như DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam gắn liền với niềm tự hào của dân tộc. Một dân tộc chịu đựng, vượt khó - “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chính vì vậy, chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp cho sự phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh ở Việt Nam” - Thủ tướng nhắn nhủ.

Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Phát biểu sau hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đề nghị các sở, ngành, doanh nghiệp tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các sở, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ về thủ tục, tài chính cho DN.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.