Làng nghề truyền thống tăng sản lượng dịp tết

(Baohatinh.vn) - Làm việc hết công suất, đến thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh kẹo, miến, bánh ở thôn Trung Trinh (xã Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Việc sản xuất miến, bún, bánh bằng thủ công trước đây giờ đã được máy móc thay thế

Thôn Trung Trinh từ lâu đã được người dân quanh vùng biết đến với nghề truyền thống bánh đa, bánh mướt, kẹo lạc… Trước nguy cơ mai một của làng nghề, những người con ở thôn Trung Trinh đã áp dụng các loại máy móc, công nghệ mới để nâng tầm sản phẩm.

Chị Tô Thị Hương - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất bún, bánh Hương Tâm cho biết: “Làm bún, bánh tráng bằng phương pháp thủ công chỉ để phục vụ ở các chợ quê, thu nhập mang lại cho bà con không đáng kể, người dân không còn mặn mà. Nuối tiếc nghề truyền thống đang dần mai một, tôi đã bàn với một số chị em trong thôn thành lập tổ hợp tác và mạnh dạn áp dụng các loại máy móc vào sản xuất”.

Sản phẩm đã được hỗ trợ về logo, mã vạch

Năm 2017, chị Hương đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư hàng trăm triệu đồng mua các loại máy xay lúa, xay bột, làm miến, dập miến… để phục vụ sản xuất. Với việc chú trọng chất lượng sản phẩm bằng việc lựa chọn các loại gạo quê chất lượng tốt, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm (miến gạo, miến phở, miến ram) được chứng nhận có logo, mã vạch đã dần chiếm lĩnh thị trường. Sau khi được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, miến Hương Tâm khẳng định được thương hiệu và dần mở rộng thị trường tiêu thụ ra tỉnh Quảng Bình, Vũng Tàu… Thu nhập mỗi năm từ nghề cũng mang về cho người sản xuất cả trăm triệu đồng.

Tổ hợp tác miến đóng hàng chuẩn bị cho thị trường tết

Chị Hương cho biết: “Trung bình mỗi tháng, chúng tôi sản xuất khoảng 4 tấn miến khô nhưng để chuẩn bị cho các đơn hàng và phục vụ nhu cầu của bà con trong dịp tết, ngoài số lượng hàng dự trữ, tổ hợp tác sản xuất thêm 4 tấn nữa. Để khắc phục tình trạng thời tiết mưa lạnh, chúng tôi cũng đã mua thêm máy sấy sản phẩm để đảm bảo miến sản xuất ra được sấy khô và đóng gói ngay”.

Nấu mạch nha là công đoạn khó nhất và quan trọng nhất, quá lửa một chút là kẹo sẽ bị đắng, màu kẹo chuyển sang đen.

Thôn Trung Trinh không chỉ được nhiều người biết đến qua các sản phẩm bún, bánh đa, miến mà còn có thức quà quê dân dã như: kẹo lạc, kẹo dồi...

Cơ sở sản xuất Tú Uyên (thôn Trung Trinh) nâng tầm "quà quê" thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Bắc Trung bộ, trở thành hàng hóa được người dân trên cả nước ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Uyên - chủ cơ sở cho biết: “Chúng tôi đã phát triển và mở rộng nghề này từ 10 năm nay. Xác định chất lượng làm nên thương hiệu nên chúng tôi đặc biệt chú trọng khâu lựa chọn từ mật mía, lạc, nha rồi đến quy trình sản xuất. Với việc tìm hiểu thị trường, từ sản phẩm kẹo lạc của thế hệ ông bà, nay chúng tôi đã phát triển thành các loại: Cu đơ nguyên tấm, cu đơ cắt, kẹo lạc nguyên tấm, kẹo lạc cắt, kẹo dồi… đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng”.

Thức quà quê giờ đây đã trở thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người ưa chuộng

Không khí chuẩn bị hàng tết ở cơ sở này cũng rất nhộn nhịp. Anh Nguyễn Trọng Đức - công nhân lao động tại cơ sở sản xuất cho hay: "Trung bình mỗi ngày làm việc của người lao động 8 tiếng với mức lương 4 triệu đồng/tháng nhưng để kịp các đơn hàng trong dịp tết, thời gian làm việc phải tăng thêm, có khi đến tối muộn, lương cũng được trả cao hơn". Để phục vụ tết, sản lượng kẹo cũng tăng lên nhiều, nhất là kẹo dồi nhằm cung cấp cho các nhà phân phối tại TP Hà Tĩnh, Vinh, Quảng Bình, Lâm Đồng.

Các mặt hàng kẹo lạc cũng đã được chuẩn bị đầy đủ số lượng phục vụ đơn hàng tết

Với việc đầu tư các loại máy móc vào sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm, có nhãn mác, bao bì, mã vạch, những mặt hàng truyền thống ở thôn Trung Trinh đã vươn tầm đến các miền đất khác. Nguồn thu nhập chính từ nghề phụ cũng đã làm sống lại làng nghề, đặc biệt trong mỗi dịp tết đến.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói