Rừng nguyên sinh núi Chomboi ở Bolikhamxay đã được nhà nước Lào đưa vào danh sách quản lí đặc biệt. (Ảnh: KPL)
Bà Somchan Bounthani, Tiến sĩ Phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia Lào cho biết, khu vực rừng nguyên sinh Chomboi đã được nhà nước đưa vào danh sách quản lí đặc biệt, công nhận là vườn di sản quốc gia.
Khu vực này có độ cao trên 1.800 mét, thuộc địa bàn 2 huyện Khamkeut và huyện Xaychamphon, tỉnh Bolikhamxay, giáp biên giới với tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An của Việt Nam; có tổng diện tích 220.000 hecta.
Vườn quốc gia Chomboi nằm trong khu vực sinh thái Bắc Trường Sơn, là khu vực bảo tồn tính đa dạng sinh học đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình lớn nhất khu vực Bắc Trường Sơn và là nơi đã xác định có sự phân bố của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó phải kể đến các loài mới được khoa học phát hiện.
Với độ cao nói trên, rừng nguyên sinh Chomboi có nhiều dải núi chính chia cắt địa hình mạnh, quanh năm mây phủ, ngồn nước dồi dào. Theo kết quả điều tra, có hơn 1.000 loài thực vật bậc cao; có 223 loài thú, 50 loài chim, 25 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư, 43 loại cá... ở đây.
Trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, chính phủ Lào đã có một quá trình hợp tác lâu dài về bảo tồn liên biên giới với Việt Nam từ giữa thập niên 1990 đến nay, được ghi nhận bởi các hoạt động về nghiên cứu và thực thi pháp luật về ngăn chặn khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép gỗ và săn bắt động vật hoang dã qua biên giới.
Tại lễ công bố, các nhà khoa học Lào cũng như các nhà quản lý đã đề xuất tiếp tục thiết lập khung hành động phối hợp với các ngành và địa phương của Việt Nam, tìm ra các sáng kiến thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới. Đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ hoặc phương án huy động nguồn lực tài chính và sự tham gia của các bên quan tâm về thực hiện các sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học khu vực biên giới.
Nhiều năm qua, các ngành chức năng và các địa phương liên quan Việt Nam và Lào đã tăng cường phối hợp xây dựng và thực hiện nhiều dự án trong chương trình toàn cầu về bảo vệ các loài hoang dã; phối hợp xây dựng hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển liên biên giới giữa Việt Nam - Lào trình UNESCO công nhận để tăng cường hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn liên biên giới.
Bà Somchan Bounthani cho rằng, tương lai có thể phát triển du lịch ở khu vực này, nhưng trước hết, đề nghị lực lượng chức năng các địa phương vùng đệm vườn di sản quốc gia Chomboi, cùng người dân các huyện Khamkeut và Xaychamphon, tham gia bảo vệ vùng sinh thái mang tính bền vững.
Với việc công bố các kết quả nghiên cứu lần này đã khẳng định, các nhà khoa học Lào có thể tự mình nghiên cứu cũng như triển khai công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các vùng rừng nguyên sinh mà hiện Lào đang có.