Lào chuẩn bị khả năng bùng phát biến thể Omicron

(Baohatinh.vn) - Tờ Thời báo Vientine (Vientiane Times) đưa tin, Trung tâm Xét nghiệm và Dịch tễ Trung ương (NCLE) của Lào vừa khuyến cáo các cơ sở y tế và người dân cần chuẩn bị cho khả năng bùng phát lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Lào chuẩn bị khả năng bùng phát biến thể Omicron

Lực lượng chức năng tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại ngôi làng xuất hiện ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng và các làng lân cận.

Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại Lào là một phụ nữ 60 tuổi, ở tỉnh Bolikhamxay, giáp Hà Tĩnh. Người này không có lịch sử đi ra nước ngoài.

Vào ngày 23/2, 27 trong số các mẫu bệnh phẩm được thu thập từ những người dân trong ngôi làng nơi phát hiện trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại Lào đã cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Những mẫu bệnh phẩm này đã được gửi đến Viện Pasteur Lào để tiến hành giải trình tự gen nhằm xác định loại biến thể. Hoạt động truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cũng đang được cơ quan chức năng tiến hành ở các làng lân cận. Nhà chức trách cũng tiến hành điều tra dịch tễ để xác định nguồn lây nhiễm COVID-19 cho bệnh nhân nữ 60 tuổi ở Bolikhamxay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Lào Bounfeng Phoummalaysith cảnh báo: “Trong khi chờ đợi thêm thông tin, tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng, biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến thể trước đó và các biện pháp phòng chống dịch cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt, cụ thể là cách ly các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và những người tiếp xúc gần với ca bệnh để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng”.

Ông Bounfeng Phoummalaysith kêu gọi mọi người dân hợp tác với cơ quan y tế và đi xét nghiệm nếu có các triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với người đã được xác định nhiễm COVID-19.

Tiến sĩ Ying-Ru Jacqueline Lo - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Lào cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng đối với Lào. Chúng ta phải tiếp tục bao phủ vaccine cho cộng đồng để bảo vệ các nhóm ưu tiên càng sớm càng tốt”.

Bà Ying-Ru Jacqueline Lo cho hay, WHO khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để giữ an toàn cho bản thân, người thân và cộng đồng. Các biện pháp này bao gồm tiêm chủng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người và tiếp xúc gần; thông gió tốt các không gian trong nhà; che mũi, miệng khi ho và hắt hơi; vệ sinh tay thường xuyên; nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, cần nghiêm túc cách ly cho đến khi khỏi bệnh.

Ở một số quốc gia đã từng bùng phát dịch COVID-19 mà biến thể Omicron là chủng trội, do số ca mắc rất cao, số người phải đến bệnh viện chăm sóc cũng tăng lên, gây áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe.

“Mặc dù chúng tôi đặc biệt khuyến khích mọi người thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, song chúng tôi cũng đề nghị những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng cách ly tại nhà, để không chỉ giảm nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng mà còn đảm bảo rằng các giường bệnh và giường ICU luôn sẵn sàng cho những bệnh nhân cần chúng nhất” - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Lào cho biết thêm.

Tính đến ngày 5/3, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Lào kể từ đầu dịch là 143.969 trường hợp, 628 người tử vong.

Theo hãng thông tấn Lào KPL, đến nay, khoảng 68,62% dân số Lào đã được tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19 và 59,24% dân số đã hoàn thành tiêm chủng. 12,7% dân số cả nước đã được tiêm liều tăng cường, trong khi đó tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19 là 14,3% dân số cả nước.

(Theo Vientiane Times, KPL)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.