Bà Võ Thị Loan (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) chuẩn bị những cây cam chất lượng nhất để tham dự lễ hội.
Vào những ngày đầu tháng 12, khi mùa cam chín rộ, nông dân Hà Tĩnh tất bật chuẩn bị cho Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 2 – 2018.
Ông Nguyễn Xuân Lan - Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Hương Khê chia sẻ, đến thời điểm này, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho lễ hội năm 2018. Theo đó, Hương Khê sẽ có 8 gian hàng cam và sản phẩm nông nghiệp với 11 hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.
Nhờ những thành công về mặt tiêu thụ sản phẩm, quảng bá hình ảnh của mùa lễ hội trước nên năm nay, người dân rất háo hức, mong muốn tham gia lễ hội. Đến nay, họ đã chuẩn bị những sản phẩm cam chất lượng nhất, được chăm sóc cẩn thận theo các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, VietGap... đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để giới thiệu tới người tiêu dùng.
Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá, tôn vinh thương hiệu, chất lượng ngon nổi tiếng của cam Hà Tĩnh.
Theo đánh giá của nhiều người trồng, kinh doanh cam và các sản phẩm nông nghiệp, lễ hội là sự kiện lớn, thu hút nhiều du khách tham gia, qua đây các nhà vườn sẽ tìm kiếm cơ hội đưa cam, bưởi đến tiêu thụ tại các thị trường tiềm năng trong và ngoài tỉnh.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội cam năm 2018 dự kiến sẽ có 80 gian hàng, trong đó có phần lớn là các gian hàng trưng bày cam, các sản phẩm nông nghiệp từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và một số gian hàng giành cho các sản phẩm khác. Lễ hội sẽ được tổ chức trong 3 ngày từ 14-16/12 tại khu vực quảng trường trung tâm thương mại Vincom, TP. Hà Tĩnh.
Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá, tôn vinh thương hiệu, chất lượng ngon nổi tiếng của cam Hà Tĩnh và một số nông sản, đặc sản của các địa phương đến với đông đảo người dân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài nhằm thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cam và các sản phẩm nông sản của tỉnh. Đồng thời, đây còn là dịp để kích cầu tiêu dùng cam và một số nông sản đặc sản của Hà Tĩnh, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ngoài ra, việc tổ chức Lễ hội là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trao đổi kinh nghiệm, bảo tồn giống cây quý, chuyển giao KHKT, công nghệ áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng chế biến nông sản; tạo mối liên kết, kết nối chuỗi giá trí từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm bền vững, đúng định hướng quy hoạch và chiến lược.
Lễ hội cam năm 2017 đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng.
Ông Lê Mạnh Tường – Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Hà Tĩnh cho biết, so với năm 2017, Lễ hội cam năm nay có nhiều điểm mới. Trong đó, ban tổ chức lựa chọn và vinh danh một số mô hình trang trại điển hình đạt trình độ thâm canh năng suất, chất lượng cao và các doanh nghiệp đầu tàu trong khâu tiêu thụ cam và các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài sản phẩm cam, chúng tôi khuyến khích và ưu tiên cho các sản phẩm nông nghiệp khác gắn với chương trình mỗi xã phường một sản phẩm và những sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Thêm một điểm mới khác là năm 2018, ban tổ chức sẽ chủ động xây dựng, lắp đặt các khung gian hàng kết nối cung cầu để người dân, doanh nghiệp bố trí sản phẩm. Để lễ hội diễn ra thuận lợi, công tác chuẩn bị mặt bằng, trang trí sân khấu, gian hàng trưng bày đang được các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội qua báo chí, mạng xã hội đang được ban tổ chức tích cực triển khai – ông Tường cho biết thêm.