Bức tranh “Madonna of the Carnation” của danh họa Leonardo Da Vinci - Ảnh: Joy of Museums Virtual Tours
Từ lâu, người ta đã phát hiện một lượng vết cặn protein trong các bức tranh sơn dầu cổ điển và chúng thường được cho là do nhiễm bẩn. Tuy nhiên, sau này các nhà nghiên cứu phát hiện đó là lòng đỏ trứng.
Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy việc đưa lòng đỏ trứng vào là có chủ ý.
Nghiên cứu cũng làm sáng tỏ kiến thức, kỹ thuật chế tạo vật liệu sơn của các danh họa cổ điển châu Âu thế kỷ XVI, XVII hoặc đầu thế kỷ XVIII.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy ngay cả với một lượng rất nhỏ lòng đỏ trứng, có thể đạt được sự thay đổi đáng kinh ngạc về tính chất của sơn dầu", tác giả nghiên cứu, Ophélie Ranquet thuộc Viện công nghệ Karlsruhe ở Đức, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã tái tạo quy trình tạo sơn bằng cách sử dụng bốn thành phần: lòng đỏ trứng, nước cất, dầu hạt lanh và bột màu, để trộn hai màu phổ biến và có ý nghĩa lịch sử là chì trắng và xanh lam.
Các phản ứng hóa học giữa dầu, sắc tố và protein trong lòng đỏ trứng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và độ nhớt của sơn.
“Ví dụ sắc tố trắng của chì khá nhạy cảm với độ ẩm, nhưng nếu bạn phủ lên nó một lớp protein, sẽ giúp nó có khả năng chống lại độ ẩm cao hơn rất nhiều, khiến sơn trở nên khá dễ sử dụng”, bà Ranquet nói.
Bức họa “The Lamentation Over the Dead Christ” (Than khóc bên xác Chúa) - Ảnh: Wikipedia
Mặt khác, nếu muốn một thứ gì đó trông cứng hơn mà không cần phải thêm nhiều bột màu, thì với một chút lòng đỏ trứng, có thể tạo ra một lớp sơn có độ cứng cao.
Bằng chứng trực tiếp về ảnh hưởng của lòng đỏ trứng trong sơn dầu, hoặc thiếu lòng đỏ trứng, có thể thấy trong bức “Madonna of the Carnation” (Đức Mẹ và hoa cẩm chướng) của danh họa Leonardo da Vinci, đang trưng bày tại Bảo tàng Alte Pinakothek ở Munich, Đức.
Tác phẩm cho thấy nếp nhăn xuất hiện trên khuôn mặt của nhân vật Mary và đứa trẻ.
“Sơn dầu bắt đầu khô từ bề mặt trở xuống, đó là lý do tại sao nó bị nhăn", Ranquet nói.
Nghiên cứu đã chỉ ra có thể tránh được hiệu ứng này khi thêm lòng đỏ trứng.
Vì nếp nhăn xuất hiện trong vòng vài ngày, nên có khả năng Leonardo kịp sửa chữa. Ông có thể đã bổ sung lòng đỏ trứng lên màu vẽ bức tranh.
Sau này, hầu hết tranh của Leonardo da Vinci đều có dấu vết protein của trứng.
Một bức tranh khác được quan sát trong quá trình nghiên cứu là “The Lamentation Over the Dead Christ” (Than khóc bên xác Chúa) của danh họa Botticelli, cũng được trưng bày tại Alte Pinakothek. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự hiện diện của protein lòng đỏ trứng trong tác phẩm này.
Bà Ranquet hy vọng những phát hiện ban đầu này có thể thu hút nhiều sự tò mò hơn đối với chủ đề còn ít được nghiên cứu này.