Liên kết sản xuất: Nhìn từ câu chuyện cây dược liệu

(Baohatinh.vn) - T rong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh, các chuỗi liên kết đã có khá nhiều thành công. Tuy nhiên, cũng có không ít mô hình liên kết bị “đứt gánh giữa đường”. Vậy, đâu là nút thắt? .. .

Liên kết sản xuất: Nhìn từ câu chuyện cây dược liệu

Khu trồng dược liệu tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên

Năm 2017, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) liên kết trồng 5 ha cây nguyên liệu phục vụ việc sản xuất đông dược, chủ yếu các loại cây kim tiền thảo, mã đề, xạ can… Hơn 40 tấn dược liệu thành phẩm được thu mua hết cho bà con, thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng mỗi sào/năm. Cũng trên vùng đất cao cạn này, hiệu quả kinh tế đã tăng hơn rất nhiều so với việc trồng màu trước đó.

Liên kết sản xuất: Nhìn từ câu chuyện cây dược liệu

Người dân xã Xuân Phổ , huyện Nghi Xuân xuất bán dược liệu

Còn tại xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) đang hình thành mô hình trồng cây dược liệu được đầu tư quy mô trên 4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương. Đơn vị liên kết cam kết đầu tư cây giống, khoa học kỹ thuật và nhất là bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu. Địa phương cũng đang dự kiến sẽ xây dựng một vùng vệ tinh để duy trì ổn định việc liên kết này.

Từ hai mô hình liên kết trên cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp, đây đang là một trong những hướng đi khá bền vững. Tuy nhiên, trong lộ trình lâu dài để gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ hiệu quả cũng đang là câu chuyện đáng phải bàn.

Liên kết sản xuất: Nhìn từ câu chuyện cây dược liệu

Khu vực liên kết trồng dược liệu tại xã Cẩm Phúc có nhiều khó khăn trong hoàn thiện hạ tầng

Trước hết chính là câu chuyện về ý thức của người nông dân. Thực tế trong những ngày đầu triển khai thực hiện một mô hình mới, phần đa nông dân đều có tâm lý e ngại, dè chừng và sản xuất với tâm thế thăm dò... Đặc biệt, sau một thời gian ngắn, nếu gặp khó khăn, chính người dân lại không đủ kiên nhẫn, để rồi tự phá vỡ liên kết.

Theo ông Đào Viết Hương – Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh – người đã theo sát quá trình liên kết với nông dân Hà Tĩnh trong nhiều nhiều năm qua: Đây là lực cản lớn nhất trong quá trình thực hiện liên kết. Câu chuyện tại xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà là một ví dụ. Với 2 ha trồng cây kim tiền thảo được quy hoạch trên vùng đất thuận lợi, năm 2016, sau thất bại của vụ thu hoạch thứ 3 vì điều kiện mưa bão, hơn 20 hộ dân ở đây đã đồng loạt bỏ ruộng. Đồng nghĩa với việc, đơn vị liên kết bị thiếu hụt hơn 15 tấn nguyên liệu vào thời điểm đó.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng thôn Thiên Thai, xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà) nói: “Thực ra, người dân chưa sẵn sàng với tâm thế chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. Vì thế, thuận lợi thì nhận, nhưng chỉ cần một trục trặc nhỏ là ngay lập tức chán nản, thiếu cộng tác".

Một vấn đề nữa trong câu chuyện liên kết, chính là việc đồng hành của chính quyền để đảm bảo hạ tầng thiết yếu, đáp ứng các quy chuẩn cho đầu ra sản phẩm. Điển hình như tại xã Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên), thời điểm cuối tháng 7 vừa qua, trong khi cây kim tiền thảo cần rất nhiều nước để phát triển, chuẩn bị cho vụ thu hoạch thì hệ thống tưới tiêu lại không đảm bảo. Và, năng suất thực tế tại vùng dược liệu này chỉ đạt chưa đầy 2/3 so với yêu cầu.

Liên kết sản xuất: Nhìn từ câu chuyện cây dược liệu

Người dân Cẩm Phúc chia sẻ với phóng viên về những bất cập trong quá trình liên kết trồng dược liệu

Bà Trần Thị Huệ - Tổ trưởng tổ hợp tác trồng cây dược liệu xã Cẩm Phúc cho hay: "Hệ thống thủy lợi không đảm bảo, nên năng suất từ 8 tấn/ha trong những mùa đầu nay còn lại chưa được 5 tấn/ha... So với cam kết ban đầu, một lần nữa chúng tôi lại không thể đáp ứng".

Như vậy, muốn thành công trong liên kết sản xuất, thì mỗi mắt xích đều đóng vai trò quan trọng. Nhà nước định hướng, kết nối và đảm bảo lợi ích hài hòa; nhà khoa học đồng hành trong suốt cả quá trình; doanh nghiệp và nhà nông là hai tác nhân chính trong chuỗi liên kết, trực tiếp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ...

Chính vì thế, nếu một khâu có vấn đề, vô hình trung, cả quá trình liên kết sẽ ảnh hưởng, thậm chí là bị phá vỡ. Đặc biệt, từ phía người nông dân, trong quá trình phát triển, thì hơn ai và hơn lúc nào hết, việc tháo bỏ tư duy manh mún sẽ gỡ một nút thắt quan trọng để hướng đến một nền sản xuất thực sự chuyên nghiệp, hiện đại.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.