Trồng cà gai leo và những vấn đề đặt ra trong liên kết

(Baohatinh.vn) - Trong khi một số mô hình cà gai leo “đứt gánh giữa chừng” thì một số địa phương ở Hà Tĩnh lại đang khởi động liên kết với doanh nghiệp. Trước sự đổ vỡ của nhiều liên kết thời gian qua, chính quyền địa phương và người sản xuất cần thận trọng để không đi vào “vết xe đổ”...

Nơi phá bỏ...

trong ca gai leo va nhung van de dat ra trong lien ket

3 ha cà gai leo của vợ chồng anh Phan Văn Xuân (xã Phúc Đồng - Hương Khê, Hà Tĩnh) giờ bị cỏ dại xâm chiếm.

Tháng 3/2017, gia đình anh Phan Văn Xuân bắt tay với Công ty TNHH Sơn Trung Du (Phú Thọ) trồng 3 ha cây dược liệu cà gai leo ở xóm 3 – xã Phúc Đồng (Hương Khê). Tuy nhiên, sau gần 1 năm xuống giống, số cà gai leo này hiện chỉ còn là bãi đất hoang vu, cỏ dại xâm chiếm. Anh Xuân nhớ lại: “Với mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, gia đình tôi đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng (trong đó, tiền giống hơn 100 triệu đồng) để xây dựng mô hình. Tuy nhiên, do nắng nóng khắt nghiệt, kỹ thuật chăm sóc hạn chế, điều kiện tự nhiên không phù hợp… nên cây dần chết yểu. Chán nản, chúng tôi bỏ bê, chấp nhận thua lỗ”.

trong ca gai leo va nhung van de dat ra trong lien ket

Vợ chồng anh Phan Văn Xuân (xã Phúc Đồng - Hương Khê) thẫn thờ bên bãi đất hoang trước đây đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng cà gai leo

Tương tự, tháng 4/2017, HTX Hoàng Nguyên cũng đầu tư 50 triệu đồng trồng 1 ha cà gai leo ở xóm 3 - xã Phúc Đồng. “Bỏ công sức chăm sóc đến kỳ thu hoạch thì sản lượng thấp, nên dù hứa hẹn song không thấy doanh nghiệp vào thu mua. Gần 1 tấn cà gai leo mốc meo trên chạn. Hiện nay, một số diện tích đã chết, một số thì cằn cỗi do không được tái đầu tư. Chúng tôi đang định phá bỏ để chuyển sang trồng cam, bưởi” – chị Đặng Thị Thu Hoài – Giám đốc HTX Hoàng Nguyên xót xa.

Nơi mới bắt đầu

trong ca gai leo va nhung van de dat ra trong lien ket

HTX Dịch vụ thương mại Phú Phong (xã Kỳ Giang - Kỳ Anh) thu hoạch cà gai leo

Cuối năm 2017, HTX Dịch vụ thương mại Phú Phong (xã Kỳ Giang – Kỳ Anh) cũng hợp đồng với Công ty TNHH Sơn Trung Du triển khai mô hình liên kết trên diện tích 3,2 ha thuộc thôn Tân Phong. Anh Thiều Minh Phong – Giám đốc HTX cho biết: “Công ty cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho chúng tôi. Đầu tư mô hình, HTX đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng thuê máy làm đất, nhân công lao động, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, mua giống, ni-lông phủ. Trong quá trình sản xuất lại chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão nên HTX đã phải làm đi làm lại tới 3 lần. Thời tiết bất lợi, cỏ dại lấn át, cây chậm phát triển nên thu hoạch vụ đầu sản lượng không đáng kể. Hiện nay, HTX tiếp tục thuê nhân công để cuốc cỏ, chăm sóc cà gai leo. Dự kiến, sau 4 tháng sẽ cho thu hoạch và nếu khả quan chúng tôi sẽ nhân rộng diện tích”.

trong ca gai leo va nhung van de dat ra trong lien ket

Thời tiết bất lợi, cỏ dại lấn át, cà gai leo chậm phát triển nên sản lượng thu hoạch vụ đầu của HTX Dịch vụ thương mại Phú Phong không đáng kể

Thông qua dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP), tổ hợp tác cà gai leo xã Phú Lộc (Can Lộc) cũng đang liên kết sản xuất 2,2 ha với kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Hài – Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: “Hiện tại, chưa thể đánh giá được hiệu quả của mô hình, tuy nhiên, theo ghi nhận đây là dược liệu nhiều gai khó trồng, khó thu hoạch nên chi phí thuê lao động đội lên cao.

Ngoài ra, năng suất vụ đầu không đáng kể, trong khi mức giá công ty đưa ra thấp nên người dân có phần e ngại. Hơn nữa, mô hình thuộc diện được nhận hỗ trợ từ dự án song đến nay chưa có động tĩnh gì. Nông dân phải vay mượn kinh phí triển khai và nay nhiều hộ không thể tiếp tục tái đầu tư do thiếu vốn”.

trong ca gai leo va nhung van de dat ra trong lien ket

Cà gai leo là dược liệu nhiều gai, khó trồng, khó thu hoạch nên chi phí thuê lao động đội lên cao.

Theo ghi nhận, cà gai leo là loại cây trồng mới ở Hà Tĩnh. Thực tế cho thấy, những mô hình triển khai thất bại xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Sự bỡ ngỡ của người trồng về kỹ thuật chăm sóc, cộng với sự khắt nghiệt, thất thường của thời tiết đã khiến cà gai leo chết hàng loạt. Nơi khá hơn thì chất lượng sản phẩm cũng chưa đảm bảo hoặc chưa đủ sản lượng như hợp đồng đã ký kết, trong khi đơn vị bao tiêu thiếu sự chia sẻ nên đã từ chối thu mua. Và điều đáng nói là hiện nay nhiều địa phương ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục triển khai mô hình liên kết này.

Liệu rằng, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn đã làm tròn trách nhiệm trong việc khảo sát, đánh giá, thẩm định về tính hiệu quả của mô hình? Từ đó để có những khuyến cáo, định hướng kịp thời cho người sản xuất trong khi họ chưa trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ thuật chăm sóc đối với một loại cây trồng mới như cà gai leo.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Phúc Đồng: “Thời gian qua, chính quyền địa phương không nhận được thông cáo nào từ các tổ chức, cá nhân về các mô hình liên kết sản xuất trồng cà gai leo trên địa bàn. Do đó, khi mô hình thất bại thì thiệt thòi nhất chính là người sản xuất. Cà gai leo là cây trồng mới đối với Hà Tĩnh nên nếu nhận được báo cáo trước khi bắt tay vào sản xuất thì chính quyền sẽ khuyến cáo bà con, tổ chức trồng thí điểm và đánh giá hiệu quả. Nếu khả quan sẽ cho nhân rộng, còn không sẽ vận động nông dân ngừng sản xuất”.

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.