Liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm lớn
7 tháng đầu năm, Cục QLTT đã tiến hành phạt hành chính 140.100.000 đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy là 210.567.000 đồng, bao gồm 2.788 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại.
Ngày 01/3/2018, Đội QLTT số 1 kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại số 02, đường Vũ Quang, TP. Hà Tĩnh. Qua kiểm tra, phát hiện 94 hộp, gói mỹ phẩm và thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Đội đã lập hồ sơ, trình Cục QLTT xử phạt hành chính 38,75 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm có giá trị 49 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 07/3/2019, trên QL 1A thuộc địa bàn huyện Nghi Xuân, Đội QLTT số 6 phối hợp với lực lượng CSGT kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 37C-0813 do ông Nguyễn Tất Nghĩa (địa chỉ: Phường Quang Trung, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) điều khiển. Qua kiểm tra phát hiện 768 chai dầu gội đầu Tresemme và 1.632 hộp phấn Johnson’s do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đội đã lập hồ sơ trình Cục QLTT tham mưu UBND tỉnh xử phạt hành chính 70 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm có giá trị gần 98 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Cục QLTT đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu.
Đó chỉ là 2 trong nhiều vụ vi phạm mà Cục QLTT Hà Tĩnh đã xử lý trong đợt cao điểm triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Tăng cường xử phạt, kiểm soát thị trường
Qua quá trình thanh, kiểm tra, 7 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã xử lý 16 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Theo đó, Cục QLTT tiến hành phạt hành chính 140.100.000 đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy là 210.567.000 đồng, bao gồm 2.788 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại.
Việc phát hiện vi phạm trên lĩnh vực này thường gặp nhiều khó khăn do thiếu công cụ, phương tiện hỗ trợ trong khi hình thức kinh doanh qua mạng ngày càng phổ biến.
Bà Nguyễn Thị Thư – Trưởng phòng Pháp chế - Kiểm tra, Cục QLTT Hà Tĩnh, cho biết: Nhiều mặt hàng rất khó để xác định nguồn gốc, xuất xứ do không có nhãn mác hoặc nhãn mác không đầy đủ thông tin, nhãn bằng tiếng nước ngoài; một số mặt hàng không có hóa đơn chứng từ, được mua trôi nổi trên thị trường. Đáng lưu ý, hoạt động kinh doanh, buôn bán qua mạng ngày càng phổ biến, không có địa chỉ, số điện thoại cụ thể nên việc phát hiện vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng rất khó để xác định chất lượng các mặt hàng này do nhiều loại chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng. Việc lấy mẫu thử nghiệm, giám định chất lượng mất nhiều thời gian và tốn kém về kinh phí do Hà Tĩnh chưa có trung tâm kiểm nghiệm chuyên nghiệp được cấp phép.
Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng vẫn chọn mua mặt hàng này bằng cảm quan, thường chỉ quan tâm đến nhãn hiệu, mùi thơm, độ nổi tiếng còn chất lượng thì… tin tưởng ở người bán. Chính vì sự dễ dãi, cả tin của một bộ phận người tiêu dùng đã gián tiếp khiến cho việc kinh doanh những mặt hàng này không có dấu hiệu suy giảm.
Công tác quản lý thị trường đối với các mặt hàng này sẽ tiếp tục được Cục QLTT Hà Tĩnh quan tâm, kiểm soát.
"Trong thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người kinh doanh lựa chọn đơn vị cung ứng có uy tín, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng cần quan tâm, xem kỹ thông tin trên nhãn mác, mua hàng tại địa chỉ uy tín và không hám rẻ khi mua, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, cử lực lượng trinh sát, thường xuyên bám nắm địa bàn, nhất là trên các trục giao thông quan trọng, các cơ sở kinh doanh để nắm thông tin, phát hiện nhanh, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng" - bà Thư cho biết thêm.