Hạ tầng khu giết mổ và hệ thống xử lý nước thải cơ sở giết mổ gia súc tập trung hiện đã xuống cấp
Sống gần chợ kinh doanh, giết mổ gia cầm và cơ sở giết mổ gia súc tập trung, nhiều năm qua, gia đình anh S. (tổ liên gia 3, TDP 10, phường Tân Giang) “lãnh đủ” hậu quả từ việc môi trường bị ô nhiễm.
“Biết làm sao được, chúng tôi đành “sống chung với lũ”. Mỗi ngày phải tiếp xúc với mùi hôi thối bốc lên từ lò mổ, bức bí vô cùng. Người lớn còn đỡ, chứ trẻ con tội lắm” – anh S. ái ngại.
Tệ hơn, gia đình chị Tr. (tổ liên gia 4) luôn "kín cổng cao tường" bởi không khí ô nhiễm nồng nặc. “Sống ở đây 1 giờ thôi cũng khổ. Mang tiếng ở thành phố mà còn tệ hơn nông thôn. Nước thải đã đành, phân gia súc phơi tràn lan, ruồi muỗi bâu đầy nhà. Thậm chí, đến bữa ăn chúng tôi phải mắc màn là hiểu. Lò mổ ô nhiễm đã đành, lại thêm chợ gia cầm trái phép, tình hình càng tồi tệ. Đã rất nhiều lần chúng tôi kiến nghị chính quyền nhưng đến nay vẫn chỉ như “muối bỏ bể” - chị Tr. bức xúc.
Sau khi giết mổ, lông gia cầm không được thu dọn, bẩn thỉu, nhếch nhác
Ông Hoàng Trọng An – Tổ trưởng TDP 10, phường Tân Giang cho hay: "Hàng trăm hộ dân thuộc các tổ liên gia 3,4,5 bị ảnh hưởng ô nhiễm từ lò mổ. Nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông Cụt, đen ngòm, bẩn thỉu, còn ảnh hưởng tới các tổ liên gia 9, 10. Lâu nay, người dân đề nghị thành phố di dời lò mổ sang địa điểm khác nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Trong khi đó, từ đầu năm lại nay, chúng tôi chưa thấy đoàn liên ngành nào về kiểm tra”.
Không chỉ các tổ liên gia 3,4,5 bị ảnh hưởng mà nước thải của lò mổ xả ra sông Cụt còn gây ô nhiễm môi trường tại các tổ liên gia 9,10 (TDP 10, phường Tân Giang)
Được biết, chợ kinh doanh, giết mổ gia cầm được đầu tư, đưa vào sử dụng năm 2007 dưới sự quản lý của Ban quản lý chợ Hà Tĩnh. Hiện nay, cơ sở chỉ còn 2 hộ hoạt động với công suất từ 300 - 350 con/ngày. Mặc dù cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng nước thải ra được xử lý không đảm bảo quy chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, quá trình hoạt động chưa thực hiện đúng các giải pháp bảo vệ môi trường, lưu giữ chất thải rắn (lông, bộ phận thải bỏ của gia cầm) chưa đảm bảo ...
Nước thải đã đành, phân gia súc phơi tràn lan, ruồi muỗi bâu đầy nhà dân
Bên cạnh đó, cơ sở giết mổ gia súc tập trung của ông Trương Hữu H. (xây dựng trên diện tích 2.490 m2, quy mô giết mổ 70 – 100 con lợn/ngày, 15 – 25 con trâu bò/ngày), dù đầu tư các hạng mục xử lý nước thải như: hầm lắng nước thải, hồ sinh học, bể biogas… nhưng hiện đã xuống cấp. Thậm chí, cơ sở giết mổ gia súc lưu giữ chất rắn chưa đảm bảo, cụ thể khu vực tập kết phân tại phía Bắc và phía Nam chưa có mái che; một số chất thải như lông, móng còn để ngoài vị trí tập kết; bể biogas xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả, xử lý nước thải không đảm bảo quy chuẩn Việt Nam…
Quy trình giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Tĩnh, mặc dù các chủ cơ sở đã quan tâm đầu tư công nghệ xử lý nước thải nhưng chưa hiệu quả. Từ đầu năm lại nay, tuy chưa lập đoàn liên ngành nhưng thành phố thường xuyên xuống kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở xử lý các vi phạm, song cũng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Chủ trương của thành phố là sẽ di dời lò mổ nhưng đến nay vẫn chưa tìm được địa điểm thích hợp.
TP. Hà Tĩnh phải nhanh chóng di dời lò mổ đến khu vực mới, đảm bảo an toàn
Thực tế chứng minh, ô nhiễm lò mổ trong khu dân cư không chỉ tác động xấu đến môi trường, đe dọa sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất. Thậm chí, người dân còn e ngại quy trình giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo sẽ gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với thực trạng nhức nhối này, việc kiểm tra, nhắc nhở không còn phát huy hiệu quả. Ngày nào lò mổ chưa được di dời thì ngày đó người dân phường Tân Giang còn khổ sở. Đề nghị thành phố Hà Tĩnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch, triển khai di dời lò mổ đến khu vực mới, đảm bảo an toàn. Nhất là thời điểm hiện nay thành phố đang dồn sức cho lộ trình xây dựng đô thị loại II thì việc làm này càng bức thiết hơn bao giờ hết!