Ngộ độc thực phẩm không phải là tình trạng hiếm gặp. Hiện tượng buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy là những triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn bị ô nhiễm, hư hỏng hoặc nhiễm độc. Các tác nhân gây bệnh có thể tìm thấy trong tất cả các loại thực phẩm mà con người tiêu thụ. Nấu chín thực phẩm giết chết hầu hết các mầm bệnh, đó là một trong những lý do tại sao bạn không nên ăn thực phẩm sống.
Thịt, sản phẩm sữa và trứng thường bị ô nhiễm, do đó phải được làm sạch và đun sôi trước khi ăn. Các triệu chứng thường gặp nhất của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, ăn mất ngon, sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu và tiêu chảy.
Ngộ độc thực phẩm cũng có thể đe dọa đến tính mạng nhưng đôi khi rất khó để xác định loại thức ăn nào là an toàn để ăn. Nhưng, nếu bạn biết về các loại thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao, bạn có thể nấu chín trước khi ăn để diệt các mầm bệnh. Đây là những loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng nhưng nguy cơ cực cao gây ngộ độc thực phẩm.
Sữa tươi (chưa tiệt trùng)
Sữa tươi có thể mang vi khuẩn gây hại cho cơ thể. Chúng chứa các vi khuẩn gây bệnh như Campylobacter, Cryptosporidium, E. coli, Listeria và Salmonella. Mặc dù, bệnh nhiễm trùng Listeria hiếm khi mắc phải khi uống sữa tươi chưa tiệt trùng, chúng lại đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Điều này cũng có nghĩa là nó có thể gây khả năng tử vong cao hơn ở phụ nữ mang thai và thai nhi. Người lớn tuổi và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương cũng dễ mắc bệnh khi sử dụng sữa tươi chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ chúng như phô mát thô.
Đậu đũa (đậu dải)
Đậu đũa được trồng và thu hoạch theo mùa, là một trong những thực vật làm thực phẩm được nhiều người sẵn sàng lựa chọn vị hương vị thơm ngon, dễ ăn và dễ chế biến.
Lý do tại sao nhiều người ăn đậu rất dễ gây độc là vì saponin của vỏ đậu và agglutinin trong hồng cầu của đậu gây ra sự kích thích mạnh đến đường tiêu hóa của con người.
Bản thân Saponin là một loại protein độc hại, và phần cuối 2 đầu của quả đậu, đường viền 2 bên vỏ quả đậu và đậu lăng cũng là loại chứa nhiều độc tố.
Thông thường khi nấu đậu, chúng ta cần nấu chín hoàn toàn đậu để tiêu diệt độc tố trong đậu. Nếu nấu đậu không chín, mọi người có thể bị ngộ độc nếu ăn kiểu chế biến này. Khuyến cáo dành cho mọi người là nên bóc vỏ sợi dây viền 2 bên quả đậu, cắt bỏ 2 phần đầu của quả đậu và nấu chín kỹ để đảm bảo đậu được chín hoàn toàn trước khi ăn.
Cá nóc
Cá nóc có hàm lượng chất béo dưới da cao, và thịt rất ngon, vì thế rất nhiều người thích ăn món cá này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã có nhiều người bị ngộ độc thực phẩm hàng năm do cá nóc. Độc tính của cá nóc có nguồn gốc từ tetrodotoxin trong bản thân con cá.
Đây là một trong những chất phi protein độc hại nhất được tìm thấy trong tự nhiên cho đến nay và thuộc về độc tố thần kinh. Độc tính tương đương với 250 lần so với natri xyanua và chỉ 0,48 mg có thể giết người.
Các phần cơ (thịt) của cá nóc không chứa độc tố. Các chất độc chủ yếu được tìm thấy trong buồng trứng, gan, thận, máu, mắt, mang cá và da.
Quả mọng
Trái cây tươi như quả mâm xôi, dâu tây và quả việt quất có thể gây ngộ độc thực phẩm. Tại sao? Đây là những loại trái cây có chứa các khe nứt dễ bị nhiễm vi trùng. Những khe nứt này chứa đầy dư lượng thuốc trừ sâu, vi khuẩn và bụi bẩn dư thừa. Vì vậy, bạn cần phải làm sạch chúng đúng cách trước khi ăn.
Cá ngừ
Cá ngừ có chứa chất scombrotoxin có thể gây nôn mửa, nhức đầu và đau bụng. Nếu cá ngừ được bảo quản ở 60 độ sau khi bị bắt, có thể giải phóng độc tố không thể bị phá hủy bằng cách nấu nướng thông thường. Nên ăn cá tươi là tốt nhất.
Măng chứa chất độc acid cyanhydric
Một thực phẩm cũng gắn liền với mâm cơm ngày Tết của các gia đình Việt chính là món canh măng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), trong măng có chứa một chất có độc tính tương tự như sắn, đó là chất acid cyanhydric (HCN) nhưng hàm lượng cao hơn nhiều khoảng trên dưới 300 mg/100 g tươi tùy từng loại măng. Người nặng khoảng 50 kg ăn phải khoảng 20 mg chất này sẽ bị ngộ độc và 50 mg sẽ tử vong. Để món canh măng không gây ra "họa" ngày Tết thì các bà nội trợ nên chế biến đúng cách.
Trứng sống
Trứng có thể chứa vi khuẩn Salmonella ngay cả khi chúng trông sạch và không bị dập vỡ. Để tránh bị bệnh, hãy nấu trứng cho đến khi lòng đỏ và lòng trắng đều chín kỹ. Bảo quản trứng của bạn ở nhiệt độ dưới 4,4 độ C và không nên ăn thực phẩm có trộn trứng sống.
Thịt chưa nấu chín
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (FDA), hầu hết thịt gia cầm sống đều có chứa vi khuẩn Campylobacter, Salmonella, Clostridium perfringens và một số loại vi khuẩn gây bệnh nhiễm khuẩn đường ruột khác. Trong thịt lợn sống lại chứa các vi khuẩn Salmonella, E. coli, Yersinia.... Những loại vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt khi nấu chín kỹ. Tuy nhiên, bằng mắt thường, bạn khó phân biệt được thịt đã chín hay chưa. Vì vậy, bạn nên sử dụng nhiệt kế thịt và nấu thức ăn đến nhiệt độ bên trong an toàn là cách tốt nhất để kiểm tra chúng.
Động vật có vỏ sống
Hàu và động vật có vỏ khác tôm, cua có thể chứa virus và vi khuẩn. Hàu sống hoặc chưa nấu chín chứa vi khuẩn Vibrio, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Hàu được thu hoạch từ vùng nước bị ô nhiễm có thể chứa virus Noro, gây nôn mửa và tiêu chảy. Để tránh ngộ độc thực phẩm, hãy nấu chín các loại hải sản trước khi ăn.
Rau mầm
Rau mầm được trồng trong điều kiện ấm áp, ẩm ướt, về cơ bản chúng là nơi trú ẩn hoàn hảo cho vi khuẩn (bao gồm Salmonella, E. coli và Listeria). Rau mầm nấu chín kỹ sẽ loại bỏ các mầm bệnh có hại. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi ăn sống chúng với bánh mì và salad để khỏi bị ngộ độc.