Cứu trợ lương thực, nước uống cho người dân xã Phương Mỹ
Ngôi nhà nhỏ của anh Phạm Đăng Hải (thôn Phố Cường, xã Gia Phố - Hương Khê) mỗi mùa lũ đến lại trở thành nơi “tập kết” tài sản của bà con trong vùng. Cũng nhờ có anh, giữa lũ, điện mất, mọi liên lạc gián đoạn thì người dân lân cận được kết nối liên lạc, thông tin thường xuyên bởi có máy phát điện.
Anh Hải chia sẻ: “Nhà tôi may mắn ở vị trí cao, mùa mưa lũ đến không bị ảnh hưởng nên giúp được gì cho mọi người, tôi luôn sẵn sàng. Đến mùa, người dân chạy lũ xót xa lắm”.
Không may đuối nước trong cơn lũ vừa qua, giữa mưa giông, nước ngập nhưng đám tang chị Nguyễn Thị Loan ở tổ dân phố 1, phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) đã được cán bộ địa phương cùng bà con chòm xóm và các khu phố lân cận tổ chức chu đáo, cẩn trọng. Lúc đó, không ai bảo ai, người lo lắng chuyện lập ban thờ, người kết bè làm thuyền đưa tang… mọi thủ tục dành cho người xấu số và cả chăm sóc, động viên gia đình chị Loan.
Người dân phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) kết bè giúp gia đình di quan chị Nguyễn Thị Loan giữa mênh mông nước...
Còn với gia đình bà Lê Thị Tâm (xóm 8, xã Hương Thủy - Hương Khê), tuy đã 3 ngày sau sự việc xảy ra nhưng đến nay vẫn chưa hết hoảng sợ bởi nửa đêm nước lên to, bà bị xuất huyết dạ dày. Nếu lúc đó hàng xóm không kịp thời phát hiện, gọi Ban Chỉ huy PCLB&TKCN của xã, điều xuồng máy chở ra đường lớn để kịp thời xuống Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh thì không biết bây giờ chuyện gì đã xảy ra.
Cô dâu Cao Thị Hồng Lam (xóm 9) và chú rể Ngô Tuấn Dũng (xóm 11, xã Hương Giang) cũng đã hạnh phúc bên nhau khi được sự giúp đỡ của mọi người. Lên kế hoạch từ mấy tháng trước, thế nhưng, gần ngày cưới, trời mưa như trút, nước đổ về khiến nhà dân và mọi tuyến đường ngập nặng. Với sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm, chú rể đã đưa cô dâu lên thuyền lênh đênh trên dòng nước về nhà chồng.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ này, chú rể Ngô Tuấn Dũng chia sẻ: “Hạnh phúc này của vợ chồng tôi được sự vun đắp, giúp sức của anh em, bạn bè, họ hàng. Tất cả mọi người vừa đến chung vui, vừa giúp tôi chèo thuyền đưa cô dâu về nhà”.
CBCS Trung đoàn 841, Sư đoàn 324 - Quân khu 4 giúp đỡ giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Lộc Yên tổng dọn vệ sinh trường lớp
Đó chỉ là một số trong vô vàn câu chuyện thấm đẫm tình người đang hiện hữu giữa thiên tai, bão lũ. Và dường như, càng trong gian khó, tình người càng được thể hiện sâu đậm.
Ngay khi nước rút, người dân lại cùng nương tựa vào nhau. Dọn dẹp vội nhà mình, những bóng áo xanh của các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, ĐVTN cùng các tổ chức đoàn thể lại lên đường đến giúp đỡ bà con quét bùn, sửa sang lại nhà cửa…
Anh Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Đoàn thanh niên huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Chúng tôi đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện chủ động ứng phó với mưa lũ; huy động lực lượng thanh niên ra quân đồng loạt giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó, ưu tiên các hộ khó khăn về lao động, các gia đình chính sách, neo đơn. Trong 4 ngày qua, đã có gần 200 lượt ĐVTN giúp đỡ công tác hộ đê, giúp nhân dân vận chuyển lúa, gạo, đồ đạc, trang thiết bị đến nơi an toàn; vệ sinh trường học, cơ quan…
Chồng là bộ đội công tác xa nhà, cơn lũ ập vào tối 14/10 khiến 4 mẹ con chị Nguyễn Thị Thúy (xóm 8, xã Hà Linh) chới với.
Người thân, hàng xóm giúp đỡ gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (Hà Linh, Hương Khê)
Con còn quá nhỏ, lại thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ, may mắn lúc đó rất đông hàng xóm đã kịp thời đưa hàng hóa, tài sản lên những nhà cao. Những ngày mưa lũ, chị cũng được tá túc tại nhà hàng xóm. Và khi nước lũ rút, bà con lại cùng giúp nhau phơi lại thóc, lúa, vật dụng gia đình… cho chị Thúy.
Không chỉ thế, những ngày này, từng chuyến hàng cứu trợ từ mọi miền đất nước đã đến với người dân vùng lũ. Trên các trang thông tin, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh thương về miền Trung, những lời kêu gọi hướng về khúc ruột miền Trung… đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho bà con vùng lũ chống chọi với thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.