Lý do đồng yen vẫn là tài sản an toàn dù suy yếu

Nội tệ Nhật Bản năm nay trải qua nhiều đợt biến động mạnh, thậm chí suy yếu, song giới phân tích cho rằng yen vẫn là tài sản an toàn.

Ngày 29/4, yen Nhật có thời điểm xuống thấp nhất 34 năm so với đôla Mỹ, với 160 JPY một USD, nhưng sau đó hồi phục nhờ giới chức can thiệp.

Đầu tháng 7, đồng tiền này tiếp tục chạm đáy 38 năm so với USD, tại 161,9 JPY một USD. Việc này khiến giới chức phải chi hàng chục tỷ USD để can thiệp lần thứ 2 trong năm nay.

Sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định nâng lãi suất vào cuối tháng trước, thị trường chứng khoán và nội tệ Nhật Bản tiếp tục ghi nhận biến động lớn. Chỉ số Nikkei 225 trong phiên 2/8 giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, trong khi yen Nhật quay đầu tăng mạnh, lên 142 JPY một USD.

Đồng yen nổi tiếng giúp bảo vệ nhà đầu tư trong thời kỳ biến động kinh tế - chính trị. Vì thế, việc đồng tiền này nhiều lần biến động mạnh năm nay làm dấy lên câu hỏi liệu đây có còn là tài sản an toàn hay không.

Trên CNBC, giới phân tích cho rằng vị thế của yen vẫn không thay đổi, chủ yếu vì các biến động này "có thể dự báo".

"Chúng tôi tin rằng vẫn có thể gọi yen là tài sản an toàn, vì Nhật Bản hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất thế giới. Họ cũng duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai và có lạm phát ổn định", Ryota Abe, chuyên gia kinh tế tại Sumitomo Mitsui Banking Corporation cho biết. Thâm hụt vãng lai thường làm suy yếu tiền tệ, trong khi thặng dư làm tăng giá trị của chúng.

Diễn biến tỷ giá USD/JPY một năm qua. Đồ thị: Reuters
Diễn biến tỷ giá USD/JPY một năm qua. Đồ thị: Reuters

Hugh Chung - Giám đốc tư vấn đầu tư tại công ty quản lý tài sản Endowus cũng nói rằng đồng tiền này thường tăng giá khi lợi suất trái phiếu và chứng khoán Mỹ cùng giảm, như trong khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch năm 2020.

Ngược lại, yen có xu hướng suy yếu so với đôla Mỹ nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, dù Wall Street giảm. Ví dụ năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để ghìm lạm phát.

Hugh Chung cho rằng yen biến động mạnh năm nay là do chênh lệch lớn giữa lãi suất tại Mỹ và Nhật. Lãi suất của Mỹ hiện quanh 5,25-5,5%, Liên minh châu Âu 4%, trong khi con số này tại Nhật là 0,25%.

Vài thập kỷ qua, khi các ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ, Nhật Bản lại duy trì chính sách siêu lỏng lẻo, khiến đồng yen trở thành mục tiêu lý tưởng cho hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ). Đây là giao dịch đi vay bằng tiền tệ có lãi suất thấp, sau đó bán ra để mua đồng tiền có lãi cao hơn. Số tiền chênh này sau đó có thể được gửi tiết kiệm hoặc đầu tư.

Carry trade khiến yen yếu đi. Ngược lại, khi BOJ nâng lãi suất hồi tháng 7, nhà đầu tư lại đổ xô "đóng carry trade" do lo ngại lãi suất tại đây tiếp tục tăng, khiến yen tăng giá. Hiện tại, mỗi USD đổi được 144,3 yen.

Giám đốc tư vấn đầu tư của Endowus nói đồng yen sẽ không mất đi đặc tính nhạy cảm với lãi suất Mỹ. Ông khẳng định đây vẫn là tài sản an toàn trong các giai đoạn thị trường lo ngại về tăng trưởng.

Abe cũng giải thích đồng yen biến động là do các thay đổi từ bên ngoài, hơn là các yếu tố trong nước. Theo ông, yếu tố góp phần lớn nhất trong biến động tháng này là "sự lo lắng quá mức" về khả năng Mỹ rơi vào suy thoái, sau khi nước này công bố số liệu thất nghiệp cao hơn dự báo và tăng trưởng việc làm không như mong đợi.

"Tất nhiên, tôi không hoàn toàn loại trừ tác động của việc BOJ bất ngờ tăng lãi suất vào tháng 7. Nhưng nó chỉ là 15 điểm cơ bản và phản ứng ban đầu với quyết định của ngân hàng này khá trái chiều", ông nói. Nếu quyết định của BOJ là nguyên nhân chính, phản ứng của thị trường sẽ mạnh hơn rất nhiều và yen còn tăng giá nữa.

Quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được công bố trong phiên 31/7. Nhưng đồng yên chỉ biến động mạnh trong các phiên giao dịch ngày 2/8 và 5/8.

Abe dự báo yen giao dịch quanh mức 145 JPY một USD năm nay. Việc nội tệ Nhật tăng giá thêm hay không, sẽ phụ thuộc vào tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed. Cuối năm sau, yen có thể lên 138 JPY, thậm chí 130 JPY một USD. Biến động vẫn ở mức cao, có thể do quyết định về chính sách tiền tệ của BOJ. Dù vậy, Abe không cho rằng ngân hàng này sẽ nâng lãi trong ngắn hạn.

Hugh Chung lại cho rằng biến động của đồng yen đã đạt đỉnh năm nay. Vì hoạt động đóng carry trade đã diễn ra một phần và các hành động của BOJ ít gây bất ngờ cho thị trường hơn.

Dù vậy, cả hai chuyên gia đồng ý rằng diễn biến của yen sẽ phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Theo CNBC, Reuters

vnexpress.net

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.