Trên mảnh đất này, nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ cách mạng như: Bến đò Thượng Trụ, cầu Hạ Vàng (xã Thiên Lộc); cầu Nghèn, nền Huyện đường, sân vận động huyện (thị trấn Nghèn)… Đây là nơi diễn ra các cuộc tập hợp lực lượng, để rồi dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Can Lộc đã vùng lên đấu tranh, làm nên cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh quật cường.
Trở lại Bến đò Thượng Trụ (thôn Đoàn Kết, xã Thiên Lộc) - nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ Hà Tĩnh vào tháng 3/1930, ngắm nhìn kiến trúc của di tích, tôi như nghe tiếng trống năm 30 của phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh vọng về, như thấy được niềm phấn khởi, tự hào của người dân Thiên Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung về bước ngoặt của Đảng bộ tỉnh. Dưới ngọn cờ hồng ấy, bao lớp người đã không tiếc máu xương, xả thân vì cách mạng để đổi lấy sự bình yên, no ấm hôm nay.
Ông Phạm Xuân Tứ - Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết cho biết: “Năm 2008, thôn Đoàn Kết chúng tôi được thành lập trên vùng đất là cánh đồng lau sậy giữa sông Nghèn - nơi có bến đò lịch sử này. Khó khăn trăm bề, nhưng niềm tự hào, tinh thần đoàn kết đã cho chúng tôi nguồn sức mạnh để cùng nhau vượt qua mọi thử thách, quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no. Cuối năm 2021, thôn đã đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đời sống của bà con cũng bước sang trang mới”.
Truyền thống cách mạng là nguồn sức mạnh lớn lao để Đảng bộ và Nhân dân Thiên Lộc quyết tâm phát huy nội lực trong xây dựng quê hương. Sự đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân, các phong trào hiến đất, hiến tài sản, đóng góp công sức, tiền của để mở đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng khu dân cư mẫu không ngừng lan tỏa… Thiên Lộc đã trở thành xã đầu tiên của Can Lộc về đích xã NTM kiểu mẫu vào năm 2022 và đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu thông minh.
Tinh thần Xô-viết mãi là nguồn cảm hứng, động lực giúp Can Lộc đi lên trong hành trình xây dựng và phát triển. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Can Lộc “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Chỉ trong một đêm, bà con làng Hạ Lội, xã Tiến Lộc cũ (nay là thị trấn Nghèn) đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho đoàn xe vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam, viết nên câu chuyện huyền thoại về Làng K130. Và hôm nay, tinh thần ấy lại được phát huy trong các phong trào xây dựng quê hương. Đó là sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận của Nhân dân trong chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, là phong trào hiến đất mở đường, huy động nguồn lực, sức người, sức của để xây dựng các công trình, làm nên diện mạo đô thị văn minh tràn đầy sức sống.
Ông Đặng Văn Kỳ - Bí thư Đảng bộ thị trấn Nghèn chia sẻ: “Mùa xuân này, chúng tôi đã đón nhận niềm vui lớn, sau nhiều cố gắng, thị trấn Nghèn đã được công nhận đô thị loại 4. Càng vinh dự, tự hào khi thị trấn Nghèn bước vào hành trình mới đúng vào thời điểm thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 95 năm Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-2025)”.
Lịch sử và văn hóa như một dòng sông chở nặng phù sa theo tháng năm bồi đắp nên khí chất con người Can Lộc. Từ thuở dựng nước, mảnh đất này là mạch nguồn của những tấm lòng ái quốc ưu dân như: Đặng Tất, Đặng Dung mài gươm rửa hận, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp giúp Quang Trung thống nhất giang sơn, ông nghè Ngô Đức Kế dấn thân chốn lao tù mưu phục quốc…
Nơi đây cũng đã sản sinh, nuôi dưỡng những người làm rạng danh quê hương, đất nước như: Thám hoa Đặng Bá Tĩnh, Đình nguyên Thám hoa Phan Kính, Thám hoa - Danh sư Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Dương Trí Trạch, Hà Công Trình, Hà Tôn Mục, Vũ Diệm… Truyền thống học hành khoa bảng ấy còn được lưu truyền với câu phương ngôn “Bút Cấm Chỉ, sỹ Thiên Lộc”...
Ông Võ Xuân Linh - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc chia sẻ: Theo dòng chảy thời gian, truyền thống văn hóa, yêu nước của người dân Can Lộc được trao truyền qua các thế hệ, góp phần tạo nên một hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng. Các giá trị truyền thống ấy luôn được con cháu gìn giữ, trở thành hồn cốt, bản sắc văn hóa, trở thành sức mạnh nội sinh để Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc ra sức thi đua hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và đô thị văn minh”.
Đến nay, toàn huyện có 1/16 xã NTM kiểu mẫu, 7/16 xã NTM nâng cao; có 121/159 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, đạt 76,1% và có 996 mô hình, trong đó có 64 mô hình lớn, 126 mô hình vừa và 818 mô hình nhỏ. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được nhiều kết quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, gia tăng giá trị sản phẩm. Toàn huyện có 27 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 26 sản phẩm đạt 3 sao.
Hướng tới kỷ niệm 555 năm thành lập huyện, Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc đang ra sức thi đua hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXVI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, trước mắt là tập trung xây dựng, hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện Can Lộc đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.
Truyền thống quê hương cách mạng tiếp tục là hành trang, động lực để các tầng lớp nhân dân Can Lộc ra sức thi đua lập những thành tựu mới, dệt nên bức tranh tươi sáng trên quê hương Xô-viết anh hùng.