Hãy nhìn vào băng ghế dự bị của Man City trong trận gặp Chelsea. Đầu tiên, chúng ta sẽ thấy 9 người người dự bị tối Chủ nhật (Haaland, De Bruyne, Grealish, Rodri, Bernardo Silva, Dias, Stones, Ederson, Gundogan) thực ra đều là những cầu thủ thuộc thành phần đội chính, những người mà nếu không có gì đột biến thì sẽ 99% đá chính trong 2 trận chung kết FA Cup và Champions League sắp tới.
Tổng giá trị chuyển nhượng của băng ghế dự bị đó là 484 triệu bảng. Đó chắc chắn là đội dự bị đắt nhất thế giới mà bạn từng chứng kiến. Chưa hết, không tính Ederson thì đội dự bị đó đã ghi tổng cộng 64 bàn ở Premier League, nhiều hơn tổng số bàn thắng của 14 đội khác, trong đó có cả MU, nhiều hơn 28 bàn so với cả đội Chelsea, đội bóng từng đánh bại chính Man City ở trận chung kết Champions League 2 năm trước.
Thế còn trong sân? Đội hình chính có Kalvin Phillips, Cole Palmer và Sergio Gomez, 3 người đá chính lần đầu tiên ở Premier League mùa này. Thủ thành Stefan Ortega có lần thứ 2 ra sân từ đầu. Rico Lewis 8 lần, Aymeric Laporte (10), Julian Alvarez (12). 11 cầu thủ trong đội hình xuất phát đó vừa thiếu thực tiễn thi đấu với số lần được sử dụng ít ỏi, vừa có tuổi đời rất trẻ khi có 5 người thuộc thế hệ 2k (Foden, Palmer, Gomez, Alvarez, Lewis). Ấy vậy mà một Man City B, hoặc thậm chí là đội C như thế vẫn cầm bóng 65% thời lượng, chơi bóng như đi dạo và đánh bại một Chelsea mà 1 năm qua đã chi ra gần 600 triệu bảng, và đội hình ra sân vẫn có cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Premier League, Enzo Fernandez. Nói ra những điều trên để thấy sự vượt trội khủng khiếp của Man City.
Chưa hết, đây cũng là trận thắng thứ 12 liên tiếp ở Man xanh ở Premier League, trận bất bại thứ 24 của thầy trò Pep trên mọi đấu trường. Arsenal đã đứng ở ngôi đầu bảng trong 248 ngày. Nghĩa là, 3/4 thời gian mùa giải thì Man City trong tư thế bám đuổi, còn Pháo thủ là kẻ cầm cờ. Arsenal đã có mùa giải bùng nổ nhất trong 1 thập kỷ qua, ấy vậy mà vẫn không thể ngăn được Man City chinh phục chức vô địch Premier League thứ 3 liên tiếp và thứ 5 trong 6 mùa gần nhất.
Không chỉ đối đầu với đối thủ ở quãng phong độ thăng hoa nhất, mà Man xanh còn phải đối mặt với cả những rắc rối nghiêm trọng ở hậu trường. Đêm Chủ nhật, người trao huy chương vàng và cúp bạc giải đấu cho Man City là CEO Premier League, ông Richard Masters, người mà 3 tháng trước đó vừa cáo buộc đội chủ sân Etihad có 115 lần vi phạm các điều luật liên quan đến tài chính. Thời điểm đó, Man City có lúc kém Arsenal lên tới 8 điểm, cộng thêm việc đứng trước nguy cơ đối mặt với án phạt rất nặng treo lơ lửng trên đầu. Vậy mà cũng chẳng điều gì khuất phục được họ tiến tới ngai vàng.
Man City đã lên ngôi với thứ bóng đá siêu việt trong một hệ thống chiến thuật độc đáo được “nhà phát minh” Pep sáng tạo. Họ lên ngôi bằng sự khôn ngoan trên TTCN khi đánh bại Real Madrid để có chữ ký Haaland, chiêu mộ được Alvarez, Akanji với tổng giá trị chỉ 29 triệu bảng. Họ cũng lên ngôi bằng tầm nhìn vượt thời gian khi đặt niềm tin vào De Bruyne ở thời điểm mà Chelsea “nói không” với tiền vệ người Bỉ. Và họ lên ngôi bằng khả năng rèn rũa cầu thủ siêu việt của Pep, thể hiện qua việc biến Grealish trở thành người không thể thay thế.
Bayern Munich từng vô địch Bundesliga 10 mùa giải liên tiếp. Man City với sự vượt trội như này, cũng đang trên đường biến Premier League thành Bundesliga, còn bản thân họ trở thành Hùm xám phiên bản nước Anh. Ai ngăn được Man xanh? Rất khó, trừ khi họ “tự sát”…