"Tao hẹn tụi bây ra nói chuyện chớ không phải nhìn tụi bây bấm điện thoại!".
Mặt Phương đỏ bừng, đôi mày cau lại. Tay anh đập mạnh lên bàn, nụ cười nửa miệng.
"Tôi cảm thấy tức giận, chưa bao giờ tôi được trò chuyện một cách trọn vẹn, không smartphone, không lướt Facebook!", Phương lắc đầu, tay vân vê chiếc chìa khoá, ánh mắt nhìn thẳng vào dãy cà phê xếp thẳng tắp, đều đặn trên chiếc kệ đối diện.
Lúc 12 giờ, trong thang máy của một tòa nhà trung tâm ở, dòng người đông đúc. Người "cúi đầu", người lướt news feed. Họ bước vào thang máy không cần ngước nhìn, mắt chăm chú vào màn hình điện thoại. Mỗi người một smartphone - một "nỗi riêng tư" của riêng mình.
Buổi chiều thứ tư, một cuộc khảo sát được thực hiện tại 4 quán cà phê, 3 cửa hàng trà sữa có tên tuổi trên địa bàn quận 1, TP.HCM, nơi tập trung đông đúc giới trẻ 9X, 10X.
Sau giờ học và giờ làm việc, họ gặp gỡ ai, làm gì? Và những điều quan sát được không quá khó đoán: Smartphone và những bước đi vội vã.
Tại quán cà phê, từ quầy gọi món, nơi đợi lấy thức uống cho đến những dãy bàn đông đúc, tấp nập người, trên tay họ đều cầm smartphone. Người thì tay lướt màn hình, người thì thoăn thoắt nhắn tin.
Về tình trạng phụ thuộc vào smartphone, mạng xã hội, ThS tâm lý Lê Thị Minh Hoa nói với Zing.vn: "Giới trẻ đang tốn quá nhiều thời gian để nhắn tin, đôi khi có thể nói chuyện trực tiếp tầm vài ba phút, nhưng các bạn có thể sử dụng mạng xã hội đến một tiếng để truyền đạt cùng thông tin ấy mà hiệu quả giao tiếp không cao".
Nhưng giới trẻ vẫn thích nhắn tin.
Buổi tối thứ tư, tại quán cà phê đông khách, một thanh niên đang nói gì đó với 5 người bạn đang cầm điện thoại.
Hội bạn kia, người gật gù trong khi tay lướt điện thoại. Có người thỉnh thoảng ngước lên nhìn và tiếp tục dán mắt vào smartphone. Người đang nói là Phương (23 tuổi, vừa tốt nghiệp trường đại học Công nghiệp TP.HCM, hiện là nhân viên kinh doanh, làm việc tại TP.HCM).
Anh là nhân vật "hiếm hoi" không bấm điện thoại trong hội bạn 6 người trong quán cà phê tấp nập.
Phương cho biết, đây là hội bạn chơi thân từ lúc học đại học. Khi ra trường, mỗi đứa một công việc, gặp mặt đông đủ không phải chuyện dễ, nhưng họ không biết tận dụng, chỉ biết cắm mặt vào smartphone.
Thời gian mỗi ngày người dùng Việt Nam sử dụng mạng xã hội (Theo thống kê của We are Social, tháng 1/2018) |
Kim Ngân (22 tuổi, quê Bạc Liêu, tốt nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng, đang nộp CV và chờ nơi làm việc gọi đến phỏng vấn) cũng đang cắm cúi với news feed. Thỉnh thoảng cô đưa tay trái chỉnh lại headphone rồi lại gật gù theo điệu nhạc.
"Bạn bè mình bận cả rồi, với lại hẹn ra cũng không có chuyện gì để nói, nhắn tin cả ngày rồi", Ngân nói, tay không rời điện thoại, kiểm tra từng tin nhắn theo tiếng "ting ting" quen thuộc.
"Vẫn còn trò chuyện với nhau đây nè, nhưng chỉ thích chat vậy thôi", Ngân tiếp tục cúi đầu, mở Messenger trả lời tin nhắn, miệng khẽ cười, tay tiếp tục động tác gõ phím thuần thục.
Câu trả lời của Kim Ngân khá mâu thuẫn: Không có chuyện để nói trực tiếp nhưng vẫn còn chuyện để nhắn qua mạng xã hội.
Hành vi người dùng bị ảnh hưởng nhiều bởi mạng xã hội. Chúng chi phối và tạo nên thói quen chỉ thích giao tiếp thông qua những dòng chữ, tin nhắn.
ThS Lê Thị Minh Hoa cho rằng mạng xã hội tác động rất lớn đến hành vi người dùng. Người ta càng phụ thuộc vào smartphone, khả năng giao tiếp càng hạn chế và dẫn đến tình trạng "lười trò chuyện".
"Mạng xã hội khiến hạn chế nhiều về mặt giao tiếp trực tiếp của giới trẻ. Họ sẽ không quan sát được đối phương, không thấy được tâm tư của người đối diện", bà Hoa chia sẻ.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Kenneth Hansraj thuộc Thư viện Y học Quốc gia (Mỹ), hiện tượng "Text Neck" (tạm dịch: cổ của những người hay nhắn tin) xuất hiện ngày một nhiều, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Nghiên cứu chỉ ra, theo thời gian tư thế này dẫn đến việc con người bị thoái hóa cột sống một cách nhanh chóng. Và theo Tiến sĩ Hansraj, nó "đang trở thành một đại dịch".
Đầu người nặng khoảng 4,5 kg. Khi cúi đầu, phần cổ chúi về phía trước, trọng lượng trên cột sống bắt đầu tăng lên. Nếu đầu cúi xuống 15 độ (so với khi đứng thẳng), áp lực lên cột sống tăng lên.
Càng cúi đầu, áp lực lên cột sống càng tăng và tạo ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: The Washington Post. |
Nhưng smartphone đang trở thành người bạn của giới trẻ. Con số thống kê về tình trạng người dùng mạng xã hội đang có dấu hiệu tăng, ngày càng trẻ hoá.
Theo thống kê của We are Social vào tháng 1, lượng người Việt sử dụng Internet ngày tăng cao. Việt Nam đang có 64 triệu người (chiếm 67%) trên tổng số 96,02 triệu dân sử dụng Internet. Con số này tăng đến 28% so với tháng 1/2017.
Ngoài ra, hiện có 55 triệu người dùng tích cực trên các mạng xã hội, chiếm 57% dân số Việt Nam và tăng 20% so với tháng 1/2017. Trong đó, người dùng mạng ở độ tuổi 18-34 chiếm đến 64% tổng số người dùng mạng.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã lên tiếng "cảnh giác" về mặt trái của các mạng xã hội.
Ông Sean Parker, chủ tịch đầu tiên của Facebook đã cáo buộc ứng dụng này đang "khai thác lỗ hổng của con người", bù đắp vào những thứ còn thiếu về nhiều mặt như cảm xúc, giao tiếp... và chi phối cuộc sống của họ.
Càng "cúi đầu", giới trẻ càng bị mạng xã hội chi phối. Và điều đáng lưu tâm, càng "cúi đầu" lại khiến những 9X, 10X năng động dễ cô đơn.
Trong những cuộc gặp gỡ của Zing.vn, các nhân vật đều cho rằng mạng xã hội có tác động lớn đến việc tạo dựng các mối quan hệ và tìm kiếm cho mình tình yêu.
Sử dụng mạng xã hội càng nhiều, họ càng hạn chế khả năng giao tiếp. Dần dần, người ta chỉ dám thể hiện tình cảm qua những câu chữ.
Cát Tường (25 tuổi, designer tự do, quê Nha Trang, sinh sống và làm việc tại TP.HCM) là trường hợp tự tạo cho mình vỏ bọc, "dính liền" với mạng xã hội và tạo khoảng cách với người xung quanh.
Tay cầm điện thoại, mắt theo dõi phóng viên với ánh nhìn dò xét. Đoạn, cô lại mở Messenger Facebook, lướt danh bạ một cách nhanh chóng, rồi cô lại khoá màn hình, nắm chặt smartphone trên tay.
Tường trả lời, đôi mắt nhìn lệch về hướng menu quán cà phê, thỉnh thoảng lại cầm điện thoại lên rồi lại đặt xuống.
Vỏ bọc tiểu thư và định kiến "con nhà giàu" khiến cô dần cách biệt với phần còn lại của xã hội. Trước kia, Cát Tường làm bạn với sách vở, truyện tranh. Đến khi smartphone ra đời, mạng xã hội hội nghiễm nhiên trở thành người bạn thân nhất của cô, mà theo như cô đánh giá, đó là "thế giới của riêng em không ai có thể xâm phạm được".
Chính Cát Tường thừa nhận, cô là người thích xây dựng mối quan hệ trên mạng xã hội nhiều hơn. Tường cho rằng việc thể hiện ý tứ, tình cảm bằng câu chữ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc nói chuyện trực tiếp với người khác.
"Mình không nhớ sử dụng smartphone bao nhiêu giờ mỗi ngày, gần như cả ngày, trừ lúc mình đi ngủ", tay cô cầm điện thoại, mặt đăm chiêu, rồi lại cúi đầu kiểm tra tin nhắn.
"Niềm vui mỗi ngày của em rất đơn giản: làm việc, ăn uống và lướt mạng xã hội, chỉ vậy là đủ", Tường lắc đầu, tay phải nắm chặt điện thoại, tay trái diễn tả cảm xúc.
Hội bạn đi chơi chung nhưng mỗi người một chiếc điện thoại. Ảnh: Bảo Quyên. |
Việc càng nhiều người "nghiện" mạng xã hội, giống như trường hợp của Cát Tường là một trong những nguyên nhân hình thành lối sống ngại yêu. Về điều này, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng khi con người yêu thương chính mình thái quá sẽ gây mất cân bằng trong cuộc sống.
"Cái tôi phát triển quá mạnh dẫn đến những ứng xử thiếu tính tương tác; con người lệ thuộc vào các phương tiện ảo và dần đánh rơi các giá trị thật", ông Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Vấn đề cô đơn trong chính xã hội con người được các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu nhiều. Theo đó, mạng xã hội có tác động lớn trong việc lan truyền nỗi cô đơn qua nhiều người.
Nhà xã hội học Mỹ Nicholas A. Christakis, người từng viết nhiều quyển sách nổi tiếng về truyền thông, mạng xã hội từng nói trên New York Times: "Khi cô đơn, bạn sẽ lan truyền nỗi cô đơn sang người khác, người đó bây giờ đã bị "nhiễm" nỗi cô đơn của bạn, họ hành động theo cùng cách bạn đã làm. Một dòng thác cô đơn đổ ập xuống, và thế là mạng lưới xã hội bắt đầu tan rã".
Và theo ông Nicholas, đây là cách mà nhiều "người cô đơn" đang lan truyền nhau trên mạng xã hội bằng nhiều cách khác nhau, nhu cầu kết nối xã hội, giao tiếp trong cộng đồng từ đó cũng giảm xuống.
Nỗi lo về một thế hệ thanh niên ngại giao tiếp, chỉ muốn làm bạn với smartphone, mạng xã hội được các chuyên gia nhìn nhận từ lâu. Tuy nhiên, việc các bạn trẻ lựa chọn thích "sống trên mạng xã hội" ngày càng lớn.
Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa thừa nhận: "Giao tiếp qua mạng xã hội dễ hơn giao tiếp trực tiếp, khi gặp mặt người ta phải để ý nhiều thứ, như ánh mắt, nụ cười thái độ của đối phương. Nếu muốn tạo lập những mối quan hệ gần gũi hơn về mặt tình cảm, phải giao tiếp trực tiếp nhiều hơn".
Buổi tối thứ tư tại quán cà phê đông đúc. Không gian rộng rãi, tiếng máy xay cà phê lấn cả tiếng nhạc.
Tiếng cười nói xôn xao của một số ít nhóm người. Và tiếng "ting ting" quen thuộc bao trùm lên cả quán. Miệng cười nói, tay thoăn thoắt nhắn tin. Và lướt news feed.
Một thế hệ "cúi đầu", nhiều cô đơn. Có cả mạng xã hội.