“Mắt biển”

(Baohatinh.vn) - Đứng ở thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) nhìn sang núi Cao Vọng, ngọn hải đăng Cẩm Nhượng chỉ như một nét kẻ mỏng manh trên nền trời nước mênh mông. Nhưng với những ngư dân vùng sông nước này, “mắt biển” ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, sưởi ấm trái tim họ giữa biển đêm mênh mông...

Cán bộ Trạm Hải đăng Cẩm Nhượng kiểm tra, lau chùi đèn biển.

Tuyến đường quốc phòng ven biển len lỏi dưới chân núi Cao Vọng đã trở thành gạch nối rút ngắn quãng đường đến với Trạm Hải đăng Cẩm Nhượng. Đợt gió lạnh kèm theo mưa phùn khiến con đường mòn xuyên qua rừng phi lao vào trạm lầy lội hơn. Ngày biển động, thiếu vắng bóng dáng những con thuyền, nhưng với những cán bộ đang công tác tại Trạm Hải đăng, cuộc sống giờ đây đã bớt phần cô quạnh bởi tuyến đường đã mang theo hơi ấm của cuộc sống bên ngoài với những quán nhỏ rải rác ven bờ, bằng tiếng cười nói rộn ràng của những ngư dân ngày không ra khơi...

Bên bát chè xanh nóng ấm, Trạm trưởng Trịnh Phúc Phổ chia sẻ: “Trạm Hải đăng Cẩm Nhượng thuộc Tổng Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc, có nhiệm vụ báo hiệu cho tàu thuyền nội, ngoại tỉnh ra vào Cửa Nhượng… Do đặc thù công việc nên đội ngũ CBCNV của công ty thường xuyên luân chuyển từ trạm này qua trạm khác. Tôi được xem là người có thâm niên cao nhất với 5 năm gắn bó tại nơi này”.

Trạm hiện có 5 người đến từ nhiều miền quê khác nhau, người xa nhất ở Cửa Hội (Nghệ An), nhưng đặc thù công việc đã khiến anh em trở nên gắn bó như người một nhà. Lần giở những trang nhật ký dày đặc ký tự, con số, anh Phổ cho biết thêm: “Do phải trực 24/24h nên anh em chúng tôi phải thay nhau đi chợ, nấu ăn. Trước đây, mỗi lần đi chợ là một thử thách bởi nơi đây xa dân cư, làng mạc, đi lại khó khăn, nhưng nay, nhờ có tuyến đường mới mở nên thuận tiện hơn rất nhiều”.

Cuộc sống cách biệt với muôn vàn khó khăn nhưng với những người canh giữ “mắt biển”, họ luôn tìm thấy niềm vui trong công việc

Dẫu vậy, với những người canh giữ ngọn đèn biển, mùa mưa bão thực sự là quãng thời gian đầy khó khăn và thử thách bởi đã không ít lần giữa đêm tối bão bùng, mưa giông sấm sét, họ vẫn phải gồng mình để bảo vệ “mắt biển”, để ánh đèn luôn định hướng, tiếp thêm sức mạnh của đất liền cho những con thuyền giữa muôn trùng sóng gió.

Theo chân các anh qua những bậc cầu thang hình trôn ốc nhỏ xíu để đến với độ cao 22m so với mực nước biển, ngọn hải đăng đã ở trong tầm với của chúng tôi. Bất chấp cái lạnh tê tái từ những đợt gió rít ào ào trên tháp đèn, anh Lê Anh Dũng vẫn cần mẫn với công việc kiểm tra, lau chùi, bảo dưỡng hệ thống bình ắc quy, thiết bị hấp thụ năng lượng mặt trời... Vừa bật đèn, vừa cầm thiết bị đo điện tử để theo dõi chu kỳ chớp của đèn, anh Dũng cho biết: “Đèn tại mỗi trạm hải đăng có chu kỳ chớp khác nhau và người ta dựa vào chu kỳ chớp đó để nhận biết mình đang ở đâu. Do đó, có sự cố là phải khắc phục ngay hoặc báo cáo với cơ quan ở đất liền ra sửa chữa kịp thời, nếu không thì tàu thuyền sẽ mất phương hướng, không tìm thấy đường về. Chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra để bảo đảm mọi thứ đều hoạt động tốt”.

Đứng trên cao, phóng tầm mắt nhìn ra mênh mông biển cả với những đợt sóng bạc đầu đang ầm ào đuổi nhau vào bờ đá, anh Dũng cho biết: “Dòng chảy Cửa Nhượng ngày càng bị bồi lắng, gây khó khăn cho thuyền bè, nơi đây lại thuộc vùng hạ nguồn có nhiều bãi đá ngầm nên chúng tôi càng thấy trách nhiệm nặng nề hơn. Ngoài nhiệm vụ canh giữ ngọn đèn luôn sáng, chúng tôi còn phối hợp với anh em ở đồn biên phòng tổ chức kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân ra vào cửa lạch”.

Cuộc sống cách biệt với muôn vàn khó khăn nhưng với những người canh giữ “mắt biển”, họ luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Đó là tình cảm ấm áp của ngư dân trong những lần ghé thăm trạm, là ánh mắt đêm thao thức cùng ngọn đèn dõi ra biển khơi, là mỗi buổi tinh mơ lại được chứng kiến những đoàn thuyền nặng đầy khoang cá trở về cập bến bình yên…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói