Diễn xướng Ví giặm làng đan - một trong những tiết mục xuất sắc nhất, ấn tượng nhất tại Liên hoan Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh 2018 do Nguyễn Thị Huệ và các đồng nghiệp sưu tầm, dàn dựng
Sinh ra ở miền đất hát Nghi Xuân, Nguyễn Thị Huệ sớm tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong đó, những câu hò, điệu ví bay bổng mà sâu lắng, ngọt ngào của dân ca ví, giặm như có lực hấp dẫn cứ cuốn cô vào. Niềm đam mê đó đã giúp cô giáo Huệ xây dựng thành công nhiều chương trình văn nghệ với chất liệu chính là dân ca ví, giặm khi giảng dạy tại Trường Tiểu học Xuân Lộc và Tiểu học Ngô Đức Kế (thị trấn Nghèn - Can Lộc) trong khoảng thời gian từ năm 2005 – 2009. Ngoài ra, Huệ cũng thường xuyên cộng tác với nhiều tổ chức, cơ quan dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình văn nghệ.
Giọng hát dân ca ngọt ngào, lối trình diễn tự nhiên chân thật và khả năng đạo diễn, dàn dựng tốt của cô giáo Nguyễn Thị Huệ đã được lãnh đạo huyện Can Lộc đánh giá cao và "mời" về công tác tại Trung tâm Văn hoá (nay là Trung tâm Văn hoá – Truyền thông) huyện. Sau nhiều đắn đo, Nguyễn Thị Huệ đã nhận lời về làm Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Can Lộc vì nhận thấy, đây là cơ hội tốt để mình có thể khám phá và cống hiến nhiều hơn nữa cho loại hình nghệ thuật này.
Cô Nguyễn Thị Huệ (ở giữa) trong vai o Uy - người hát ví phường vải nổi tiếng ở Trường Lưu trong tiết mục Hát ví phường vải tại chương trình nghệ thuật vinh danh dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh năm 2014
Trong quá trình công tác tại Trung tâm Văn hoá huyện, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Huệ đã quyết định đi học để nâng cao trình độ chuyên môn. Cô học đại học rồi cao học ở Đại học Văn hoá Hà Nội. Khi làm luận văn thạc sỹ, Huệ lựa chọn đề tài hát ví phường vải. Đây là một đề tài không dễ bởi lúc bấy giờ người hát phường vải không còn nhiều.
Để thực hiện, Huệ phải tìm tư liệu ở Thư viện Quốc gia, tìm nghe băng đĩa của nghệ sỹ Trần Đức Duy - người hát ví giặm nổi tiếng của làng Trường Lưu. Cô còn thường xuyên về tận làng, tìm những người dân còn hát phường vải như bà Hà, bà Lý… để nghe và tự nghiên cứu đặc điểm của hát phường vải, sưu tầm lời cổ. Trong quá trình đó, Nguyễn Thị Huệ cũng có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những giai thoại của Nguyễn Du liên quan đến ví phường vải Trường Lưu.
“Những tư liệu mà tôi có được qua việc thực hiện luận văn thạc sỹ đã khiến ngọn lửa đam mê ví, giặm trong tôi càng thêm nồng đượm. Những hiểu biết về phong tục, tập quán sinh hoạt của cha ông đã khiến tôi hát hay hơn những khúc hát của quê hương. Có lẽ chính nhờ việc làm luận văn này mà về sau trong chương trình Vinh danh dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh 2014, tôi đã được lựa chọn vào vai O Uy - cô gái phường vải Trường Lưu nổi tiếng trong câu chuyện liên quan đến đại thi hào Nguyễn Du” – chị Huệ chia sẻ.
Ngoài công tác quản lý, sưu tầm lời cổ, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Huệ cũng dành thời gian nghiên cứu văn hoá Can Lộc để hiểu hơn về dân ca ví giặm, lấy tư liệu để dàn dựng và hát hay, hát đúng tinh thần của các làn điệu
Hiện nay, trong vai trò là người chăm lo cho phong trào văn hoá cơ sở ở Can Lộc, Nguyễn Thị Huệ còn đặc biệt dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm và dàn dựng những bài hát cổ. Việc tìm kiếm lời hát cổ rất khó, nhiều khi phải may mắn mới gặp, nhưng với Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Truyền thông huyện Can Lộc thì đó là một công việc rất thú vị. Và trời không phụ lòng người khi đã mang tới nhiều mối duyên gặp gỡ để cô có thể có được nhiều tư liệu quý về những lời hát cổ của cha ông.
Như việc tìm thấy lời bài hát “Ví giặm phường đan” ở xã Khánh Lộc ngay trước thềm Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh 2018 là một điển hình. Sự may mắn và niềm đam mê, nhiệt huyết của Huệ trong việc sưu tầm tư liệu để dàn dựng lại làn điệu này đã giúp Can Lộc có 1 tiết mục xuất sắc với hiệu ứng âm thanh tự nhiên vô cùng độc đáo tại sân khấu liên hoan.
Ngoài việc dàn dựng và biểu diễn, hiện nay, Nguyễn Thị Huệ còn tập trung công tác truyền dạy. Hàng tuần cô vẫn cùng các nghệ nhân ở các câu lạc bộ dân ca ví giặm truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cô cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất thành lập một nhóm hát dân ca ví giặm để phục vụ khách du lịch. Chúng tôi muốn, bất kỳ một giao tiếp nào đối với du khách cũng được cất lên bằng những câu hò, điệu ví của quê hương”.