Kể từ sau lần đầu tiên được phân công viết bài về nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh cách nay 7 năm, tôi may mắn được quen biết thêm một tài năng, một trí tuệ, một nhân cách lớn. Tình cảm ông dành cho tôi đủ để khi cần mở mang điều gì tôi lại ghé nhà ông và được ông sẵn lòng giúp đỡ, thậm chí nếu cần ông vẫn tin tưởng cho tôi mượn sách. Và, thi thoảng, khi cần tìm cảm giác bình yên, tôi lại rẽ vào ngõ nhà ông, đứng trước căn nhà nhỏ ấy, ngó vào án thư nơi ông đang dùng trí tuệ, sự cần mẫn của mình để khai phá những trầm tích của văn hoá Hà Tĩnh.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn chúc tết nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh |
Dường như đất và người thường có duyên với nhau. Một người sôi nổi sẽ ở trên một mảnh đất sôi động, còn người trầm tĩnh, điềm nhiên thì số phận cũng sẽ đưa đến sinh sống trên mảnh đất có phong thuỷ phù hợp với tính cách. Chẳng những thế màdù là lần đầu tiên hay lần thứ bao nhiêu tôi đến nhà ông thì cũng chỉ vẫn một cảm giác ấy – cảm giác như mình đang bước vào một miền tịch lặng. Miền riêng ấy bắt đầu ngay từ con ngõ nhỏ trên đường Xuân Diệu dẫn vào nhà ông cho đến cánh cổng sắt cũ kỹ, qua hàng hiên quạnh vắng, án thư nơi ông ngồi và những kệ sách bao quanh thư phòng.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày ấm cũng như ngày rét, bao giờ tôi cũng tự mình mở cổng, lặng lẽ dắt xe vào sân, đến ngồi vào chiếc ghế gỗ cũ kỹ bên cạnh bàn làm việc của ông. Lần nào cũng thế, khi ông tạm ngừng suy nghĩ, bỏ cây kính lúp cũ xuống trang sách, đưa mắt tìm thứ gì đó thì tôi mới cất lời chào ông. Và bao giờ cũng thế, ông cũng chậm rãi nở một nụ cười rồi hỏi bằng giọng người Hà Tĩnh: “ung đến tìm mềnh có chuyện chi” rồi ra bàn uống nước ngồi nghiêng nghiêng bên nhữngkệ sách quanh thư phòng.
Tìm ông thì có chuyện gì ngoài việc muốn cặn kẽ hơn về vấn đề nào đó của văn hoá Nghệ Tĩnh, bởi lẽ, cùng với nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy, nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh là người hiểu rõ nhất về quê hương xứ Nghệ. Như trong một câu đối tự vịnh mình của ôngThư phạn bất yếm đa thư vi tinh phạn vi huyết/ Cần chân duy sở hữu cần thị tính chân thị tính(sách, cơm không bao giờ sợ nhiều bởi sách cho tinh thần, cơm cho máu thịt/ Nếp cần cũ chân thực giữ mãi bởi cần cù là tính nết, chân thực là tình đời), ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để đọc sách và viết sách, ông đã đem cái chân tình mà ứng xử với tri thức, với bạn hữu và với cả những thế hệ con cháu như tôi.
Tuy là người biết nhiều nhưng lúc nào và ở đâu ông cũng nguyên một dáng vẻ khiêm nhường và lặng lẽ dù là khi tôi hỏi ông một vấn đề lớn hay vấn đề nhỏ, dù đó là lúc ông ở trong không gian tịch mịch của riêng mình hay giữa cuộc họp ồn ào. Có lẽ chính nhờ sự khiêm nhường ấy mà ngoài thu nhận được nhiều tri thức từ sách vở, ông còn học được từ rất nhiều điều từ những người bạn. Ở mỗi người ông “nhặt” được một ít và ông vẫn thường đùa là học lỏm. Những cái tên như Trịnh Xuân An, Hồ Tôn Trinh, Xuân Tửu, Trần Hữu Thung, Võ Hồng Huy… là những người bạn – người thầy mà cả cuộc đời này ông luôn biết ơn.
Chín chục tuổi đời với gần chừng ấy đầu sách chuyên về các lĩnh vực văn hoá dân gian, văn chương Hán Nôm, văn hoá địa phương được xuất bản nhưng với ông đó cũng chỉ là sự tình cờ bởi ông vẫn không nhận mình là nhà này, nhà kia mà đơn giản chỉ là một người làm báo. |
90 năm tuổi đời thì hơn ¾ trong số đó là quãng thời gian ông làm việc với chữ nghĩa, với di sản văn hoá xứ Nghệ. Ông nói cuộc đời ông đã đi qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử đất nước, làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng như duyên trời đã định, làm gì đi nữa cũng có mối liên quan với sách vở, chữ nghĩa và văn hoá. Những công việc ấy là từng đốm lửa nhỏ nhen lớn dần niềm say mê của ông với trầm tích văn hoá xứ Nghệ. Với ông, đó cũng là những cơ may của cuộc đời. Có những chặng đường đời đói cả cơm và đói cả sách nhưng ông chưa bao giờ ngừng sự học. Từ đọc rộng rồi đọc sâu, đọc vô thức rồi đọc có mục đích. Trong hàng trăm cuốn sách ông, sưu tầm và cất giữ, phần nhiều là những cuốn thâm nâu, gáy bìa đã mục nhưng tất cả đều nằm trang trọng, gọn gàng trên kệ.
Không chỉ sách của người mà trong đó cũng có rất nhiều sách của chính ông sưu tầm, biên soạn, đặc biệt ông còn cất giữ hơn 700 trang viết tay ghi lại những điều ông thu nhận được từ các cuộc điền dã. Vậy nên,thư phòng của ông lúc nào cũng phả thơm mùi sách và mùi mực. Và chính những cuốn sách quý hiếm, thậm chí là độc bản mà ông cất công tìm kiếm, lưu giữ, sưu tầm, biên soạn ấy đã gợi lên trong tôi một không gian cổ xưa, trầm mặc. Những cuốn sách đó không chỉ là kho tàng tri thức mà còn âm thầm kể câu chuyện về cuộc đời một con người say mê với văn hoá bản xứ.Đặc biệt, những cuốn ông đã xuất bản kể cho tôi hay câu chuyện về hành trình điền dã lặng lẽ của một người đam mê vốn cổ trên khắp nẻo quê hương.
Chín chục tuổi đời với gần chừng ấy đầu sách chuyên về các lĩnh vực văn hoá dân gian, văn chương Hán Nôm, văn hoá địa phương được xuất bản nhưng với ông đó cũng chỉ là sự tình cờ bởi ông vẫn không nhận mình là nhà này, nhà kia mà đơn giản chỉ là một người làm báo. Khiêm nhường là vậy nhưng những cuốn sách của ông như 5 thế kỷ văn Nôm người Nghệ, Truyện dân gian Nghệ Tĩnh, Tác gia Hán Nôm Nghệ Tĩnh, Từ điển tiếng Nghệ, Lễ hội cổ truyền Hà Tĩnh, Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh, Làng cổ Nghệ Tĩnh… đã khẳng định quá trình nghiên cứu nghiêm cẩn, miệt mài, khoa học của ông.Với quan niệm “khoa học không có gì là chân lý và tôi không phải là người cuối cùng đúng” nên dù khi còn trẻ hay đã 90 niên tuổi, mỗi ngày ông đều dành ra một khoảng thời gian nhất định để đọc nhằm bổ khuyết những vấn đề chưa đủ, hiệu đính những vấn đề chưa đúng…
Năm qua nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh đã hoàn thành xong cuốn sách thứ 82 của mình – Bách thần sự tích (dịch) và đang chuẩn bị hoàn thành một số cuốn dư địa chí khác nữa. Dạo này, trong những câu chuyện nghiêm túc về nghề, thi thoảng ông còn nói với tôi về sự đi đến cõi khác một cách hài hước. Hài đấy và cũng trầm ngâm đấy bởi lẽ còn nhiều vấn đề của văn hoá Nghệ Tĩnh ông muốn nghiên cứu, muốn biên soạn, còn nhiều tư liệu quý đang nằm ở dạng bản thảo viết tay.
Ông nói: “Chắc mình không còn nhiều thời gian để làm hết được. Đó là điều mình tiếc nuối nhất”. Một nốt trầm rơi xuống giữa dòng suy nghĩ của tôi sau câu nói của ông. Một người khi nói về cái chết một cách ung dung, tự tại như thế hẳn là đã biết hết mình và cũng chẳng đợi chờ điều gì ở đời sống này nữa. Giữa sự hữu hạn của đời người, tôi mong các vị thần ban cho ông sức khoẻ để những tư liệu quý mà ông đã cất công sưu tầm, khảo cứu được đến với tất cả mọi người. Để mỗi lần muốn mở mang vấn đề văn hoá nào đó hoặc giả chỉ là cần một cảm giác yên bình tôi lại rẽ vào miền riêng ấy, đứng tần ngần bên giậu hoa ngọc nữ trắng muốt ngắm dáng ông tay bút, tay kính lúp nghiêng nghiêng bên chiếc bàn gỗ chất đầy tư liệu...