Môi trường xanh từ bàn tay đoàn viên, người lao động Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Để phong trào “Chống rác thải nhựa” đi vào thực chất, lan tỏa sâu rộng và góp phần thay đổi thói quen sử dụng vật dụng nhựa trong đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn Hà Tĩnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phong phú.

Khuôn viên cơ quan Hội Chữ thập đỏ tỉnh những ngày này nhìn vui tươi, sinh động hơn bởi các bức tường được “kết hoa”. Những chiếc giỏ trồng cây, trồng hoa xinh xắn được làm từ các vật dụng bằng nhựa đã góp phần làm xanh hơn, đẹp hơn công sở.

Môi trường xanh từ bàn tay đoàn viên, người lao động Hà Tĩnh

Khuôn viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh được trang trí bằng những chậu cây xinh xắn.

Đây là công trình của đoàn viên công đoàn cơ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai trong phong trào “Chống rác thải nhựa”. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lê Xuân Phúc cho biết: “Ngay sau khi Ban Chấp hành công đoàn phát động, đoàn viên đã tích cực thu gom rác thải nhựa từ gia đình, cơ quan và tự tay tái chế thành các vật dụng để trồng cây. Việc làm này vừa giúp hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, vừa tạo không gian công sở xanh, giúp cán bộ, người lao động có tinh thần thoải mái, nâng cao hiệu quả công việc”.

Môi trường xanh từ bàn tay đoàn viên, người lao động Hà Tĩnh

Công trình do đoàn viên cơ quan tự tay thiết kế, tận dụng các vật dụng có sẵn.

Bên cạnh tái chế rác thải nhựa, công đoàn còn thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày. Tại các sự kiện, cuộc họp của cơ quan, sản phẩm nhựa dùng một lần được thay thế bằng sản phẩm thủy tinh, inox thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, công đoàn cũng tổ chức cho đoàn viên ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải nhựa, tham gia “Ngày chủ nhật xanh”, góp phần xây dựng cơ quan đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2021-2026.

Môi trường xanh từ bàn tay đoàn viên, người lao động Hà Tĩnh

Không gian phòng làm việc sinh động hơn nhờ những chậu cây cảnh xinh xắn.

Tại Trường Tiểu học Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), câu lạc bộ “Chống rác thải nhựa” đã được thành lập từ tháng 10/2019. Sau hơn 2 năm hoạt động, câu lạc bộ đã góp phần tích cực trong việc xây dựng thói quen, thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cán bộ, giáo viên, học sinh.

Tháng 3/2022, Công đoàn Trường Tiểu học Kỳ Ninh đề xuất chuyên môn đưa nội dung hướng dẫn học sinh tái chế các sản phẩm nhựa vào tiết thực hành Mỹ thuật. Các sản phẩm này sẽ được sử dụng trồng cây xanh để tạo không gian lớp học thân thiện.

Môi trường xanh từ bàn tay đoàn viên, người lao động Hà Tĩnh

Trường Tiểu học Kỳ Ninh đưa hoạt động tái chế rác thải nhựa vào các tiết học Mỹ thuật.

“Không chỉ áp dụng trong phạm vi trường học, công đoàn còn trích kinh phí mua các sản phẩm thân thiện với môi trường như bình đựng nước làm bằng vật liệu tre, làn đi chợ đan bằng mây… để tặng đoàn viên sử dụng thay cho các sản phẩm từ nhựa và túi nilon trong gia đình. Đồng thời, nhắc nhở đoàn viên, học sinh tích cực tuyên truyền người thân cùng hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” - cô Hoàng Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Kỳ Ninh chia sẻ.

Môi trường xanh từ bàn tay đoàn viên, người lao động Hà Tĩnh

Câu lạc bộ “Chống rác thải nhựa” trao tặng làn đi chợ đan bằng mây cho hội viên.

Sử dụng làn nhựa, các vật dụng gói thực phẩm thân thiện với môi trường cũng là một trong những hoạt động đang được các cơ quan, đơn vị tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động để góp phần hạn chế rác thải nhựa.

Là một trong những đơn vị khá thành công trong việc vận động đoàn viên nói “không” với túi nilon đựng thực phẩm, Công đoàn Trường Tiểu học Tân Lâm Hương I (Thạch Hà) tiếp tục triển khai hoạt động “Xách làn đi chợ - phong cách của người nội trợ” và được đông đảo đoàn viên hưởng ứng.

Môi trường xanh từ bàn tay đoàn viên, người lao động Hà Tĩnh

Đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Tân Lâm Hương I tích cực hưởng ứng hoạt động mang làn nhựa đi chợ thay thế túi nilon.

Cô Đoàn Khánh Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Tân Lâm Hương I chia sẻ: “Thay vì dùng túi nilong, khi đi chợ tôi thường mang theo hộp nhựa, giấy báo để gói thực phẩm, sau đó cho vào làn nhựa. Tôi thấy dùng làn nhựa rất tiện dụng, đựng được nhiều đồ lại hạn chế xả thải túi nilon ra môi trường”.

Với tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống, không gian làm việc xanh, đoàn viên, người lao động Hà Tĩnh đang rất tích cực hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Nhiều hoạt động, mô hình cụ thể được triển khai như: “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Du lịch không rác thải nhựa”, “Không túi nilong, bảo vệ môi trường”, “Nói không với túi nilông và sản phẩm nhựa dùng một lần”… Những hoạt động này đã góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt tiêu dùng của đoàn viên, người lao động.

Môi trường xanh từ bàn tay đoàn viên, người lao động Hà Tĩnh

Các hoạt động trong phong trào “Chống rác thải nhựa” do công đoàn các cấp triển khai sẽ góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của đoàn viên, người lao động.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Thị Hải Yến cho biết: “Ngoài văn bản hướng dẫn gửi đến các đơn vị, công đoàn còn tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; kịp thời biểu dương các công đoàn cơ sở có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc giảm thiểu sử dụng các vật dụng nhựa để góp phần lan tỏa phong trào”.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Nhà sạch, vườn đẹp nhờ bàn tay phụ nữ

Nhà sạch, vườn đẹp nhờ bàn tay phụ nữ

Với việc cụ thể hóa phong trào thi đua xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, phụ nữ Can Lộc (Hà Tĩnh) đã và đang chung tay, góp sức xây dựng NTM.
Người “thắp lửa” phong trào Đoàn

Người “thắp lửa” phong trào Đoàn

Anh Đặng Văn Tuân – Bí thư Đoàn xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, luôn chân thành và tận tâm trong các hoạt động Đoàn, công tác xã hội tại địa phương.
Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Hòa trong không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư ở Hà Tĩnh đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần gắn kết cộng đồng.