Một phụ nữ ở Hà Tĩnh bị lừa gần 450 triệu đồng vì... mua thuốc trị nám trên mạng!

(Baohatinh.vn) - Sự nhẹ dạ cả tin, dễ dãi của một khách hàng Hà Tĩnh trong việc chuyển tiền để thực hiện các giao dịch liên quan đến sản phẩm trị nám đã trở thành nguyên nhân chính cho Chu Văn Tuấn (SN 1998, trú huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một phụ nữ ở Hà Tĩnh bị lừa gần 450 triệu đồng vì... mua thuốc trị nám trên mạng!

Các bị cáo từ trái qua: Phạm Quang Tuân, Chu Văn Tuấn và Nguyễn Thị Xuyên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 21/9/2022, rất nhiều người dân về hội trường Tòa án nhân dân huyện Can Lộc để theo dõi phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 3 bị cáo tại phiên tòa ngoài Chu Văn Tuấn còn có Phạm Quang Tuân (SN 1997, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Xuyên (SN 1993, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Các bị cáo này đã lợi dụng sự tin tưởng của người mua hàng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến 445 triệu đồng.

Tuấn, Tuân, Xuyên đều là những bị cáo trẻ tuổi, đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Tuy nhiên, điều khiến người tham dự phiên tòa bất ngờ, các bị cáo phạm tội xuất phát từ lý do hết sức đơn giản: vì khách hàng nhẹ dạ cả tin.

Một phụ nữ ở Hà Tĩnh bị lừa gần 450 triệu đồng vì... mua thuốc trị nám trên mạng!

Sự nhẹ dạ cả tin của khách hàng trong giao dịch về tiền là nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của các bị cáo. (Ảnh minh hoạ internet).

Nội dung vụ án được xác định: Chu Văn Tuấn, Phạm Quang Tuân và Nguyễn Thị Xuyên đều là nhân viên của Công ty Wall Street (trụ sở đóng tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Trong đó, Tuấn, Tuân là nhân viên hợp đồng tư vấn bán hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, Xuyên là quản lý số điện thoại đường dây nóng.

Tháng 10/2020, Tuân tư vấn bán thuốc trị nám da cho bà T.T.X. (SN 1960, trú thôn Hòa Thịnh, xã Thiên Lộc, Can Lộc). Tuy nhiên, do hiệu quả không như mong muốn, bà X. dừng mua sản phẩm và được Tuân khuyên nên mua đủ liệu trình để được hoàn tiền.

Tuân đã báo lại sự việc với quản lý của mình là Chu Văn Tuấn. Dù biết bà X. không được hoàn tiền nhưng Tuấn đã bảo Tuân sử dụng số điện thoại khác liên hệ, đưa ra các thông tin gian dối để yêu cầu khách hàng nộp phí làm thủ tục hoàn tiền nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn nói trên, từ tháng 5/2021 đến tháng 9/2021, Tuấn và Tuân đã 9 lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà T.T.X. với tổng số tiền gần 390 triệu đồng.

Trong các lần này, Tuân tự xưng mình là Tổng Giám đốc chi nhánh để thông báo hồ sơ hoàn tiền của bà X. gặp trục trặc và yêu cầu bà X. chuyển tiền nhằm giải quyết. Điều đặc biệt là, sau mỗi lần nhận điện thoại từ Tuân, bà X. đều lập tức thực hiện mà không mảy may nghi ngờ. Chính sự dễ dãi của bị hại trong quá trình giao dịch vô tình khiến kẻ xấu có thêm cơ hội để lặp lại hành vi phạm tội.

Tháng 8/2021, bà X. gọi vào đường dây nóng của Công ty Wall Street để phản ánh về việc hoàn tiền thì gặp Nguyễn Thị Xuyên. Biết đồng nghiệp thực hiện hành vi lừa đảo quá dễ dàng, Xuyên nảy sinh lòng tham. Nữ quản lý đường dây nóng đã sử dụng sim điện thoại lạ gọi điện cho bà X. nói về việc bà được hoàn tiền mua hàng; phí hồ sơ, chi phí đi lại để hoàn tiền là 56 triệu đồng. Tin lời Xuyên, bà X. tiếp tục chuyển tiền. Sau một thời gian không nhận được tiền, biết mình bị lừa, bà X. đã làm đơn trình báo cơ quan công an.

Một phụ nữ ở Hà Tĩnh bị lừa gần 450 triệu đồng vì... mua thuốc trị nám trên mạng!

Toàn cảnh phiên xét xử tại TAND huyện Can Lộc.

Tại phiên sơ thẩm do Tòa án nhân dân huyện Can Lộc xét xử, cả 3 bị cáo đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. “Bản thân bị cáo chưa bao giờ nghĩ đến việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng mà chỉ tự nhủ rằng sẽ làm giàu bằng chính sự phấn đấu, nỗ lực của bản thân. Thế nhưng, sự cả tin của bị hại cùng món hời trước mắt đã khiến bị cáo không tránh được cám dỗ” - Phạm Quang Tuân trình bày.

Bằng thái độ chân thành, hối lỗi, cả 3 bị cáo đã gửi lời xin lỗi đến bà T.T.X. và người thân của mình. Bị hại cũng đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Chu Quang Tuấn và các đồng phạm, mong hội đồng xét xử xem xét, tạo điều kiện để các bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích. Được biết, sau khi sự việc xảy ra, các bị cáo đã bồi thường thiệt hại, khắc phục toàn bộ hậu quả cho bà T.T.X.

Một phụ nữ ở Hà Tĩnh bị lừa gần 450 triệu đồng vì... mua thuốc trị nám trên mạng!

Toà án nhân dân huyện Can Lộc - nơi xét xử vụ án Chu Văn Tuân cùng 2 đồng phạm.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã rất rõ ràng và cả 3 sẽ phải chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, trong vụ án này, lỗi xuất phát một phần từ sự nhẹ dạ cả tin của bị hại. Mọi giao dịch chỉ thực hiện qua mạng, qua điện thoại nhưng lại dễ dàng chuyển số tiền lớn cho người khác. Vụ án là lời cảnh báo đối với người dân, cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác và cẩn trọng trong việc xác thực thông tin khi giao dịch tiền qua mạng, tránh tiền mất, tật mang.

Sau khi cân nhắc, xem xét yếu tố trong vụ án, hội đồng xét xử đã tuyên phạt Chu Văn Tuấn 7 năm 6 tháng tù, Phạm Quang Tuân 7 năm tù, Nguyễn Thị Xuyên 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chủ đề Chuyện vụ án

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.