Tờ Wall Street Journal bình luận, kết hợp các kết quả lại thì có thể nhìn ra cách tiếp cận mà ông Trump đang định hình. Đó là tập trung vào việc gây áp lực để các công ty lớn sản xuất trong nước và bán được nhiều hàng Mỹ hơn ra nước ngoài, thay vì hỗ trợ các công ty mở rộng quy mô sản xuất ra toàn cầu.
Thứ ba tuần trước, Nhà Trắng công bố viết lại xong thỏa thuận thương mại lớn nhất của Mỹ, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ năm 1994. Phiên bản thay thế là USMCA không chỉ được Mexico và Canada chấp thuận mà ngay cả những đối thủ trong đảng Dân chủ các công đoàn cũng phải gật đầu.
Đến thứ sáu, chính quyền Trump thông báo “thỏa thuận ngừng bắn” với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại kéo dài một năm rưỡi. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các mức thuế quan đã áp nhưng đạt được một cam kết của Trung Quốc về tăng cường mua hàng Mỹ để duy trì đàm phán giai đoạn sau.
Giữa hai thông báo đó, Mỹ hôm thứ tư đã làm tê liệt Cơ quan Phúc thẩm (SAB) của WTO, bằng cách ngăn tổ chức này bầu thành viên mới cho SAB. Cơ quan trọng tài này vào tuần trước đã không còn đủ thành viên để ra quyết định và thực thi các quy tắc của WTO.
Tổng thống Donald Trump tại Philadelphia hôm thứ bảy tuần qua. Ảnh: Zuma Press |
Clete Willems, người từng làm cố vấn thương mại cho Nhà Trắng bình luận, tuần qua chính là tuần thành quả mà 3 năm chính sách thương mại do Trump triển khai gặt hái được.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp và nghị sĩ quốc hội cả hai đảng cho rằng, những nỗ lực này của ông Trump ít tác động đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế, mà thật ra chỉ để xoa dịu những bất ổn cho chính ông gây ra.
Ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, muốn nâng cao cách tiếp cận thương mại lâu đời của Mỹ. Ông cho rằng người tiền nhiệm đã đàm phán các thỏa thuận tệ hại và “thề” sẽ “xé” chúng ra. Ông muốn tập trung nhiều hơn vào kết quả cụ thể, cắt giảm thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất của Mỹ, hơn là củng cố các quy tắc mở cửa thị trường minh bạch.
Ông tin rằng các tổng thống trước đây đã quá dễ dãi với các công ty đa quốc gia, quá thiên về các thể chế đa phương và quá rụt rè về việc nắm giữ quyền lực đơn phương của Mỹ.
Tuy nhiên, các chi tiết công khai của thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc bị cho là khá mơ hồ, với nhiều vấn đề còn tranh cãi để phải đàm phán tiếp. Riêng điều khoản mà Mỹ tuyên bố Bắc Kinh hứa sẽ nhập gần gấp đôi hàng hóa trong 4 năm tới theo nhiều nhà phân tích là khó có thể xảy ra.
Nói trên kênh truyền hình CBS News hôm qua, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết điều khoản này cũng giống việc Mỹ từng áp đặt hạn ngạch xuất nhập khẩu cho Nhật Bản vào những năm 1980, một cách tiếp cận thương mại mà nước này đã không còn dùng trong 30 năm qua.
Ông Fred Bergsten, chuyên gia thương mại tại Viện kinh tế quốc tế Peterson nói ông Trump đã đúng khi kêu gọi Trung Quốc về hành vi vi phạm các quy tắc và chuẩn mực của họ. “Nhưng ông ấy đã theo đuổi được ba năm, tung ra rất nhiều”hỏa lực“và về cơ bản không đi đến đâu trong những vấn đề lớn”, vị này nói.
Một số nông dân nói những lợi ích mà ông Trump mời chào thậm chí có thể không đủ bù đắp cho những mất mát của họ cho đến nay. Liên đoàn Cục nông nghiệp Mỹ nói hôm thứ sáu rằng Trung Quốc đã từ thị trường mua nông sản lớn thứ 2, nay tuột xuống vị trí thứ 5 kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.
Tuy nhiên, với những người ủng hộ Trump như Stephen Vaughn, người từng là thành viên trong đoàn đàm phán của Mỹ nói rằng mọi việc đang tiến triển tốt. “Mỹ đang tích cực đưa ra chính sách thương mại của riêng mình và điều đó sẽ rất tốt”, ông nói.
Kể từ khi thành lập WTO cách đây một phần tư thế kỷ, các tổng thống Mỹ tránh sử dụng các quyền lực đơn phương, thay vào đó, họ khiếu nại lên WTO và để các thẩm phán tổ chức này xác định liệu Mỹ có khiếu nại chính đáng hay không.
Ông Trump thì thường xuyên nói rằng tòa án thương mại WTO đối xử bất công với Mỹ. Với việc “làm khó” SAB, các quốc gia khác sẽ gặp trở ngại hơn khi sử dụng WTO để thách thức các hành động của Mỹ.
Chiến thuật của ông Trump, trong việc theo đuổi USMCA và thỏa thuận của Trung Quốc đánh dấu một bước đột phá so với những người tiền nhiệm. Ông áp đặt thuế quan đơn phương để buộc các nước nhượng bộ.
Mexico và Canada đồng ý viết lại Nafta, một phần nhằm khiến ông Trump gỡ bỏ thuế thép và nhôm và để tránh mối đe dọa của ông trong việc thêm thuế với xe hơi. Cam kết nhập khẩu Trung Quốc đã được đưa ra một phần để khiến ông Trump dừng việc áp thêm đợt thuế mới theo kế hoạch vào ngày 15/12 vừa qua.
Phía chỉ trích ông Trump thì cho rằng, phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán đối với các thông báo gần đây phản ánh cảm giác “nhẹ nhõm” của nhà đầu tư, chứ không hẳn là dấu hiệu của tiến bộ thực sự.
Nhưng cũng có một sự thật là, cả thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm qua dưới thời ông Trump. Stephen Moore, một cố vấn không chính thức của tổng thống nhắc rằng, ngoài các thành tựu thương mại, Mỹ đang có tỷ lệ thất nghiệp thấp trong nửa thế kỷ qua và một thị trường chứng khoán đi lên.
Theo tiến trình, chính quyền Trump giờ sẽ chuyển sang đàm phán giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận với Trung Quốc, cũng như với các đối tác thương mại khác, bao gồm cả Nhật Bản và EU. Tuy nhiên, tình hình bầu cử Mỹ năm sau và sự kháng cự của Trung Quốc có thể khiến các bước tiếp theo không dễ dàng.
Một thỏa thuận mới với Anh cũng là một ưu tiên của Trump, sau chiến thắng bầu cử vào tuần trước của đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson, khiến cho việc Anh rời khỏi EU gần như chắc chắn.