Vụ hè thu toàn tỉnh có khoảng 800 ha đất canh tác ở vùng các vùng cao, cuối kênh nên gặp nhiều khó khăn về nguồn nước.
Xã Thạch Trị (Thạch Hà) có khoảng 40/143 ha lúa hè thu nằm ở cuối kênh, nguồn nước tưới hết sức khó khăn. Trong đợt nắng nóng vừa qua, một số diện tích lúa ở thôn Đồng Khánh, Bắc Trị bị khô hạn, đồng ruộng bắt đầu nứt nẻ... Trước nguy cơ lúa chết vì thiếu nước, xã tập trung chỉ đạo bà con nông dân ra đồng bơm nước chống hạn nhưng vẫn lo nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài. Thế nhưng, đợt mưa mấy ngày nay đã giải tỏa cơn “khát” cho nhiều diện tích lúa không chủ động nguồn nước đang đến kỳ đẻ nhánh, trổ đòng.
Lượng mưa trong những ngày qua đã kịp thời chống hạn cho một số diện tích lúa hè thu vùng Thạch Trị
Ông Dương Văn Lựu ở thôn Đồng Khánh xã Thạch Trị (Thạch Hà) chia sẻ: "Do diện tích lúa của ông nằm ở cuối kênh nên nguồn nước từ kênh N9 đã không vào được chân ruộng cộng với nắng nóng kéo dài làm 3 sào ruộng lúa hè thu đang vào kỳ đẻ nhánh có dấu hiệu héo lá. Nhưng rất mừng, nhờ trận mưa "vàng” này, những diện tích lúa trên giờ chắc chắn được phục hồi, phát triển tốt".
Đợt mưa quý giá không chỉ chống hạn mà còn là điều kiện thuận lợi để lúa bước vào thời kỳ đẻ nhánh, trổ đòng
Đợt mưa này đã “cứu” hơn 150 ha lúa hè thu của huyện Thạch Hà đang bị gặp hạn tại các xã Thạch Trị, Thạch Lạc, Phù Việt, Thạch Tiến do nằm cuối kênh, thiếu nước tưới nghiêm trọng. Không những thế, đợt mưa còn tích nước cho một số hồ đập nhỏ trên địa bàn đã bắt đầu cạn kiệt, đồng thời hạn chế được nguy cơ cháy rừng...
Trong đợt nắng nóng gay gắt kéo dài vào những ngày đầu tháng 7, huyện Cẩm Xuyên cũng “đứng ngồi không yên” khi có khoảng 200 ha lúa hè thu đang bị khô hạn nằm ở các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc, Cẩm Sơn...
Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết: Đợt mưa quý giá vừa qua không chỉ chống hạn kịp thời cho lúa mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển, khi lúa bước vào thời kỳ đẻ nhánh làm đòng.
“Tranh thủ có nước, bà con nông dân Cẩm Xuyên ra đồng chăm sóc lúa. Tuy nhiên, sau nắng nóng kéo dài có mưa nên nguy cơ sâu bệnh trên cây lúa rất cao. Vì vậy, huyện đang chỉ đạo các địa địa phương tích cực hướng dẫn bà con chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh; sau khi tạnh mưa, kịp thời phun thuốc những diện tích có khả năng nhiễm sâu bệnh cao để không ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng”, ông Hà cho biết thêm.
Nếu mưa lớn kéo dài cũng sẽ gây ngập lụt các loại cây trồng cạn
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Hà Tĩnh, “Mưa tháng sáu, máu rồng” có ý nghĩa rất quan trọng về nguồn nước cho cây trồng sau đợt nắng nóng kéo dài. Trận mưa “vàng” những ngày qua đã “cứu” hơn 800 ha lúa hè thu đang thời kỳ chuẩn bị đẻ nhanh, trổ đòng khỏi nguy cơ chết héo vì nắng hạn.
Tuy nhiên, trong những ngày tới, nếu thời tiết diễn biết xấu và tiếp tục mưa lớn thì một số diện tích cây trồng ở vùng trũng có nguy cơ sẽ bị ngập úng, đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đến các loại cây trồng cạn. Vì vậy, các địa phương cần phải theo dõi chặt chẽ, có biện pháp tiêu úng kịp thời và triển khai các phương án bổ cứu sản xuất.