Mùa hè cổ tích

(Baohatinh.vn) - "Bà ơi, cổ tích là gì hả bà?”. “Cổ tích là những câu chuyện đẹp được lưu truyền từ đời này qua đời khác cháu à!”.”Mùa hè là gì hả bà. Sao mùa hè lại có tiếng ve kêu?”. “Cha bố mày, hỏi lắm thế bà biết trả lời làm sao”.

Mùa hè cổ tích

Ảnh minh họa: Internet.

Bà xoa đầu tôi rồi mỉm cười. Nụ cười làm đôi mắt mờ của bà sáng lên những niềm vui và những đường nhăn trên khuôn mặt như hằn sâu hơn. Miệng bà tóp tép nhai trầu để lộ mấy chiếc răng đen nhánh. Mỗi khi nhìn bà cười, cảm giác bình yên bỗng ùa vào lòng tôi, giống như mùa hè kia chưa bao giờ là khắc nghiệt.

Ngày hè, nắng như thiêu như đốt. Bầu trời cao xanh thăm thẳm đầy vẻ huyền bí. Bản hòa tấu của hàng vạn chú ve reo lên réo rắt. Mùa hè nóng nực, mùa hè ồn ào, mùa hè hùng vĩ. Mùa hè nhớ nhung…

“À á à ơi, à á à ơi

Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về

Bắt được con trắm con trê

Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn

À á à ơi…”.

Giữa không gian bao la, lời ru vọng về nơi tâm trí, vỗ về tiềm thức của đứa trẻ đã lớn. Một ngày hè xưa thật là xưa. Ngày ấy, “sờ-mát-phôn” không có trong từ điển. Các thiết bị như tủ lạnh, quạt điện, ti-vi hay đài cát-sét cũng là những món đồ thật hiếm hoi, xa xỉ. Trong chiếc nôi đứa trẻ đang ngủ say giấc, trên khuôn mặt của nó mùa hè thật dịu dàng. Dường như không có sự hiện diện của nắng mùa gay gắt với những vất vả ngược xuôi thường nhật. Mùa hè êm đềm lắm. Sự êm đềm ấy nằm gọn trong căn nhà lá đơn sơ núp mình dưới bóng những rặng cây râm mát. Mùa hè rộn ràng trong tiếng hót của các loài chim, trong tiếng kêu của ve sầu. Nhưng tất cả như dừng lại khi lời ru của bà cất lên. Bên chiếc nôi nhỏ bé, từng nhịp nôi đu đưa, cánh tay bà phe phẩy chiếc quạt lá. Em bé chìm sâu vào giấc ngủ êm đềm. Có lẽ, mùa hè với em chỉ là những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt.

Em bé lớn lên trong từng nhịp nôi đu đưa. Em lớn lên qua những mùa hè vàng nắng. Mùa hè của em có tiếng ve vang vọng trong không trung, có à ơi cò trắng bay lả bay la, có tiếng chim cuốc cất lên tìm bạn tha thiết… Em bé lớn lên trong lời ru, tiếng hát, trong hơi ấm, tình thương của bà.

Mùa hè cổ tích

Ảnh minh họa: Internet.

Mùa hè nóng, bà hay nấu những món ăn đơn giản. Chỉ cần nắm rau mùng tơi hái ở vườn nhà nấu với mấy con cua đồng mà bà bắt được. Hay ra vườn hái vài quả sấu hoặc xoài chua mang vào nấu với rau muống là đã được ngay một món canh ngon vừa ngọt lại thanh mát. Khu vườn nhà bà chỉ toàn màu xanh và hương thơm của cây lá. Mùi của hoa dẻ phảng phất, mùi của mít chín nức mũi. Có ngày, tôi lẽo đẽo theo bà đi hái mít.

“Bà ơi! Phải mất bao lâu thì cây mít mới cho quả ngọt thơm đến thế này hả bà?”. “Ít nhất 10 năm con ạ. Cây con trồng xuống đất, được chăm sóc, rồi mãi mới lớn, lớn thì mới đơm hoa kết trái được. Quả non cũng cần thời gian để lớn rồi mới chín thơm như thế này được con à!

Mảnh đất này trước đây cằn cỗi sỏi đá, bao nhiêu nhát thuổng, nhát cuốc, bao nhiêu giọt mồ hôi rơi đất mới hồi sinh, cây cối xanh tốt, cho hoa, cho trái. Thế mới nói có sức người sỏi đá cũng thành cơm đó con. Thời gian trôi đi, con người về nơi xa vắng, nhưng thành quả của sức lao động vẫn hiện hữu nơi đây”. Những lúc như thế, tôi hiểu rằng, bà lại đang nhớ ông.

Nắng hè nhuộm vàng đồng lúa. Tôi men theo bờ ruộng thu lúa cho bà, những hạt lúa vàng thơm, căng mẩy có một hương vị rất khó tả. Mãi sau này tôi mới biết đó là hương của đất, của trời, của nước quyện với mồ hôi của con người. Ngày mùa, tiếng máy tuốt lúa át đi tiếng ve kêu. Thóc vàng sân, rơm vàng đường. Hoa phượng rực đỏ cả góc trời. Bầu trời xanh trong có đám mây lững lờ trôi. Thấp thoáng bóng những con diều giấy no gió bay cao vun vút. Diều mà phải lén la lén lút xé giấy từ quyển vở học sinh, hoặc sang hơn là xin được vài tờ báo, rồi lấy bột sắn quấy lên phết vào cho dính. Nhìn con diều no gió bay vút trên trời xanh, đám trẻ thích thú reo hò vang động. Mặt trời ngả dần về phía núi, hoàng hôn ửng đỏ chúng mới chịu về.

Mùa hè cổ tích

Cổ tích của cháu chính là bà. (Ảnh minh họa: Internet).

Đêm. Bóng đen làm nổi bật lên những dải ngân hà rực rỡ. Trăng tan chảy vào không gian. Đom đóm từng đàn bay lượn như sao rơi. Hơi nóng của ban ngày bốc lên hầm hập. Chiếc quạt con cóc chẳng thấm vào đâu so với cái nóng. Tôi ra hiên nhà, nằm chỏng quành trên chõng tre, hít hà hương sen thơm ngát mà cơn gió đưa lại, lắng nghe tiếng chim cuốc vọng lại từ một nơi xa xa. Bà ngồi cạnh tôi, mái tóc bạc phơ, tay phe phẩy chiếc quạt lá. Miệng bỏm bẻm nhai trầu và lại bắt đầu kể những ngày xửa ngày xưa. Tôi cứ thế mà thiếp đi trong những miền cổ tích.

Trong giấc ngủ chờn vờn, tôi thấy thoang thoảng mùi hương của bà tựa như hương thơm của cỏ cây, hoa trái trong vườn. Hình như đó là mùi của thời gian hiện hữu, những nhọc nhằn nắng mưa, những hoang hoải cổ tích. Bầu trời đã có thêm một vì sao và bà tôi đã không còn nữa. Bà bảo khi con người chết đi, linh hồn sẽ được siêu thoát thành một ngôi sao sáng, mỗi đêm sẽ luôn dõi theo những người đang sống.

Mùa hè thời hiện đại, nắng vẫn trải vàng trên các con đường. Hoa phượng vẫn đỏ rực một góc trời. Hàng nghìn con ve vẫn réo rắt bản tình ca của tạo hóa. Nhưng người ta nhốt mình trong phòng với bao tiện nghi. Cuộc sống hiện đại, mùa hè người ta ngại ra đường. Con người tự xa lánh thiên nhiên, tự thỏa mãn trong hơi mát của điều hòa. Trẻ con cũng ít thả diều, chúng nằm lỳ trong phòng, thế giới của chúng thu gọn trong chiếc điện thoại thông minh. Và tự khắc mùa hè càng trở nên khắc nghiệt.

Tôi chợt nhớ đến những mùa hè đã xa, nhớ đến những ngày xửa ngày xưa. Những ngày hè có bà cụ miệng bỏm bẻm nhai trầu, mái tóc bạc phơ, ánh mắt sáng lên sau tiếng cười giòn giã. Những tiếng ve vang lên, âm thanh ấy như đọng lại cả nghìn năm xưa cũ. Lời ru à ơi như sương khói lúc chiều tà. “À ơi, ngủ ngoan, à ơi ru hời…”. Kìa ai mái tóc bạc phơ, đôi mắt sáng, cười với tôi? Có phải bà Tiên tôi thường hay thấy trong những câu chuyện cổ tích mà bà kể không. Sao giống bà tôi thế!

Ngước mắt dõi theo ngôi sao sáng nhất bầu trời, hình như tôi thấy bà đang cười. Trong miền thổn thức của nỗi nhớ, mùa hè của tôi hiện lên với bao kỳ vĩ và huyền bí. Nó gieo vào lòng tôi một bản tình ca vang động. Những tiếng côn trùng ngân nga từ thời nảo thời nào. Những điệu hát ru, những câu chuyện cổ tích bà kể, món ăn mà bà nấu giờ chỉ là những điều xưa cũ mãi mãi nằm trong miền ký ức của tôi.

Một ngày hè oi ả, tôi lang thang trở về khu vườn của bà. Thời gian đã phủ lên cảnh vật một màu rêu hoen. Tôi đã tìm được câu trả lời khi xưa hay hỏi bà. Bà ơi, cổ tích của cháu chính là bà. Và mùa hè chính là mùa cổ tích.

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Đêm đó, sân đình vang rộn ràng, người người kéo về đi xem hát. Khách ngồi vào giữa những hàng ghế trước sân khấu nhìn quanh. Không thấy bà hàng nước, chỉ thấy một đám trẻ vội vàng kéo nhau vào chật sân đình. Khách nghe họ bảo nhau: “Đêm nay, cô Hiền lên hát đấy”!