Mục sở thị cây thị cổ hơn 700 tuổi ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trải qua hơn 7 thế kỷ, cây thị cổ ở xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn sừng sững, đầy sức sống, tỏa bóng xanh mát, trĩu quả khi vào mùa. Đặc biệt “cụ thị” này còn gắn với sự tích cứu Vua Lê Lợi.

Video cây thị hơn 700 tuổi ở Sơn Phúc (Hương Sơn)

Cây thị cổ nằm trong khu vườn của gia đình bà Trần Thị Nhuận, thuộc xóm Kim Sơn 2, xã Sơn Phúc. Cây cao khoảng 35 - 40m, tán lá rộng chừng 30m, đường kính thân cây 5 người ôm không xuể. Gốc cây sần sùi, rêu xanh bám quanh. Phía trong gốc cây rỗng, 2 - 3 người có thể ngồi vừa trong đó.

Phía dưới gốc cây cổ thụ, người dân trong vùng lập bàn thờ, đặt tên là “Gốc thị sử tích”.

Chủ tịch UBND xã Sơn Phúc - Nguyễn Xuân Linh cho biết: “Vào năm 1425, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh gặp khó khăn, Lê Lợi đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ. Biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm đồng lòng cùng nhau đánh giặc ngoại xâm”.

Bốn câu thơ vẫn được người dân lưu truyền để ghi nhớ giai thoại này: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ”.

Tương truyền, có lần Lê Lợi bị giặc Minh truy đuổi gắt gao, bí quá ông chạy đến trốn vào gốc cây thị. Khi giặc Minh đuổi đến nơi cũng là lúc trời bắt đầu tối nên bọn chúng liền cho chó săn vây quanh cây thị để lục soát. Trong lúc tính mạng của nhà vua đang hết sức nguy nan, bỗng có một con cáo đốm trắng ngồi trên ngọn cây thị vì sợ đàn chó nhảy xuống bỏ chạy. Ngay lập tức, đàn chó săn cùng binh lính liền đuổi theo con cáo, nhờ vậy Vua Lê Lợi mới thoát nạn.

Bên trong cây thị cổ rỗng ruột.

Cây thị cổ với cành lá sum suê quanh năm, vung tỏa ra cả một khoảng không gian rộng lớn. Mùa Vu lan cũng là thời điểm cây thị lúc lỉu quả, tỏa mùi thơm ngào ngạt.

Cây thị được bà con trong vùng tôn kính, xem đây như là một biểu tượng lịch sử. Người dân sống quanh thường xuyên đến dọn dẹp, xem cây thị như vị Thành hoàng của làng. Ai nấy đều mong muốn cây thị cổ được công nhận là "Cây Di sản" để được bảo vệ, gìn giữ.

Theo bà Nhuận, mặc dù cây thị có tuổi đời trên 700 trăm tuổi nhưng hàng năm vẫn ra hoa kết trái đều đặn. Điều đặc biệt thị ở đây mang mùi thơm khác với thị ở những nơi khác. “Những ngày này, thị bắt đầu chín rộ, trẻ con và người lớn đến đây đông hơn”, bà Nhuận cho hay.

Vào mùa, thị chín rụng nhiều quanh gốc, tạo nên khung cảnh yên bình chốn thôn quê.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói