Từ đầu mùa lại nay, gia đình chị Hiền đã xuất bán gần 1,5 tấn mướp đắng, thu về hơn 25 triệu đồng.
Những ngày này, gia đình chị Lê Thị Hiền (thôn Tân An, xã Cẩm Bình) đang bận rộn thu hoạch mướp đắng. Chị Hiền cho biết: “Trung bình cứ 2 ngày gia đình chị ra vườn thu hoạch gần 1 tạ mướp đắng để xuất cho thương lái. Mướp hiện đang có giá 12.000 – 13.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá bán của thời điểm này năm ngoái. Từ đầu mùa lại nay, tôi đã xuất bán gần 1,5 tấn mướp đắng, thu về hơn 25 triệu đồng".
Diện tích trồng mướp đắng của xã Cẩm Bình chủ yếu tập trung tại thôn Tân An, Bình Minh, Đông Vinh
Theo chị Hiền, để mướp đắng cho hiệu quả cao, ít sâu bệnh, gia đình đã bón phân vào thời điểm cây bắt đầu bám giàn, đầu tư dây thép, dây cước và cọc rào để làm giàn chắc chắn. Cùng với đó, tưới đầy đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa, vì vậy, vườn mướp đắng gia đình cho quả nhiều, thu hoạch luân phiên.
Mướp đắng nhờ được chăm sóc tốt cho quả to đều, mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều bà con nông dân tại huyện Cẩm Xuyên.
“Sản phẩm mướp đắng của xã ngày càng được thị trường ưa chuộng. Những quả thẳng, đẹp thì lựa chọn mang đi bán, những quả bị cong, vẹo thì thái mỏng, phơi khô để làm thuốc hoặc nấu nước uống. Với 1,5 sào trồng mướp đắng này, từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu được gần 15 triệu đồng, ước tính đến cuối vụ cũng có thêm 10 -15 triệu đồng nữa. Năm nay tuy phải gieo trỉa lại nhiều lần do thời tiết thất thường nhưng bù lại giá cả ổn định trong hơn một tháng qua”, bà Nguyễn Thị Hựu (thôn Tân An, xã Cẩm Bình) chia sẻ.
Người dân phấn khởi vì năm nay mướp đắng giữ giá cao và ổn định dù đã vào chính vụ thu hoạch.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Bình Nguyễn Huy Lợi cho biết: “Diện tích trồng mướp đắng của xã chủ yếu tập trung tại thôn Tân An, Bình Minh, Đông Vinh… Các hộ đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; diệt các loại côn trùng gây hại bằng các hộp bẫy sinh học.
Trong quá trình sản xuất, người dân trồng mướp đã áp dụng các biện pháp luân canh tăng vụ hoặc kết hợp trồng mướp với các loại cây trồng khác như bí xanh, dưa chuột, cà chua... nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích”.
Nhiều hộ dân dùng bẫy sinh học để bắt côn trùng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng thời điểm này, tại xã Cẩm Trung, nhiều bà con nông dân ở các thôn có diện tích trồng lớn như Trung Tiến, Trung Thành... cũng đang tất bật chăm sóc và thu hoạch mướp đắng xuất bán cho thương lái.
Ông Lê Xuân Thanh (thôn Trung Tiến) cho biết: "Mướp đắng là loại cây dễ trồng, thích ứng rộng, có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau; thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng. Phấn khởi hơn, mướp giữ được giá khá cao từ đầu vụ đến nay lại dễ tiêu thụ, thương lái vào tận vườn thu mua hoặc nhiều người biết “tiếng” mướp đắng Cẩm Trung cũng đến tìm mua với số lượng khá nhiều".
Nhiều bà con nông dân đã đầu tư hệ thống giàn leo, phun tự động để nâng cao năng suất
Được biết, vụ sản xuất năm nay, toàn xã Cẩm Trung có hơn 1.000 hộ trồng mướp đắng trên diện tích gần 14ha. Qua quá trình phát triển, cây mướp đắng thích hợp với vùng đất của xã nên bà con đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng giàn leo và hệ thống tưới tự động, giúp cây phát triển tốt, cho năng suất ổn định.