Cơ sở đóng tàu Huntington Ingalls của Mỹ vừa công bố bức ảnh về tiến độ thi công chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai lớp Gerald Ford mang tên John F. Kenedy (CVN 79), trong đó phần sàn cất hạ cánh đã được lắp ráp.
Chiếc siêu tàu sân bay với lượng giãn nước đầy tải lên tới 100.000 tấn này của hải quân Mỹ đang được hoàn thành với tốc độ nhanh chóng mặt, đập tan nghi ngờ Washington dự định cắt giảm số biên đội tác chiến hàng không mẫu hạm.
Dự kiến lễ rửa tội cho con tàu tiến hành vào cuối năm nay và sang tới năm 2020 nó sẽ được chính thức đưa vào thử nghiệm trên biển để sẵn sàng bàn giao vào năm 2021.
Tàu sân bay lớp Gerald Ford của Mỹ có khả năng mang theo tối đa tới 90 máy bay các loại, trong đó đáng chú ý nhất là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35C Lightning II.
Đây cũng là những siêu hàng không mẫu hạm đầu tiên trên thế giới được trang bị máy phóng điện từ tiên tiến thay thế máy phóng hơi nước truyền thống.
Dự kiến sau khi USS John F. Kenedy chính thức vào biên chế thì hải quân Mỹ vẫn duy trì đầy đủ 11 biên đội tác chiến tàu sân bay, tạo ra ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ cạnh tranh.
Trong khi đó nhìn sang hải quân Nga, Moskva có vẻ như vẫn đang chật vật với tham vọng xây dựng được biên đội tác chiến tàu sân bay đúng nghĩa.
Sau khi chiếc Đô đốc Kuznetsov phải đại tu dài hạn và chưa biết đến bao giờ mới quay lại hạm đội thì hải quân Nga phải chấp nhận thực tế không có nhóm tác chiến tàu sân bay nào.
Mặc dù vậy tại triển lãm hải quân quốc tế IDMS 2019 vừa diễn ra, họ vẫn mang tới trưng bày tới 2 mô hình tàu sân bay thế hệ mới do nước này tự thiết kế.
Đó là chiếc Lamantin với lượng giãn nước 80.000 tấn được trang bị máy phóng dành cho máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không cùng với chiếc nhỏ hơn do viện nghiên cứu Krylov thiết kế.
Đặc trưng của tàu sân bay thế hệ mới của hải quân Nga đó là chúng vẫn sử dụng đường cất cánh kiểu nhảy cầu, khiến tiêm kích hạm không mang được tải trọng vũ khí và nhiên liệu tối đa.
Điều này cho thấy người Nga vẫn chưa thực sự tự tin với công nghệ máy phóng do chính mình thiết kế, cho dù đây không phải là một thiết bị quá cao siêu.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn của hải quân Nga lại nằm ở việc các doanh nghiệp đóng tàu của họ có tiềm lực hạn chế, rất khó hoàn thành tàu sân bay đúng thời hạn kể cả khi được cho phép khởi công.
Từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay Nga chưa đóng được chiến hạm nào có lượng giãn nước 8.000 tấn chứ chưa nói đến tàu sân bay hàng vạn tấn, ngoài ra nhiều tàu chiến nhỏ của họ còn đang phải lắp động cơ Trung Quốc.
Trước thực tế trên, có lẽ các quan chức Bộ Quốc phòng Nga vẫn sẽ phải "ngước nhìn" tiến độ đóng mới tàu sân bay của Mỹ (và cả Trung Quốc) trong một khoảng thời gian dài nữa.