Mỹ sợ bị cho ra rìa ở Syria?

Ngày 21/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết, cuộc đối thoại giữa Damascus và người Kurd Syria trong tuần này đã bị Mỹ cản trở.

“Người Mỹ đang tìm cách để ngăn chặn cuộc đối thoại giữa người Kurd và Damascus, trong khi chúng tôi có lập trường hoàn toàn ngược lại”, ông Lavrov nói và nhấn mạnh rằng, chỉ có những cuộc đối thoại giữa người Kurd và Damascus mới có thể đảm bảo quyền lợi cho người Kurd.

Mỹ sợ bị cho ra rìa ở Syria?

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

Theo Ngoại trưởng Nga, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Damascus và người Kurd Syria không chỉ giải quyết những vấn đề chính trị tại Syria mà còn đảm bảo sự an toàn cho nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ coi Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) do người Kurd lãnh đạo là một thực thể “khủng bố”, là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK). PKK đã tham gia vào một cuộc chiến dài với Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ trong những thập niên sau của Thế kỷ 20.

Nga đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Damascus và Ankara, vì cả hai chính phủ hiện không có quan hệ ngoại giao. Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Syria vào năm 2012 sau những chỉ trích về cách Damascus xử lý các cuộc biểu tình.

Nếu thực sự Mỹ đang cản trở cuộc đàm phán giữa Damascus và người Kurd như những gì Ngoại trưởng Nga tuyên bố thì dường như Washington đang sợ rằng họ sẽ bị ra rìa ở Syria.

Mối lo này của Mỹ không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, nếu cuộc đàm phán thành công, Mỹ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì đối với người Kurd Syria.

Không giống như Mỹ, chính quyền Damascus sẽ đảm bảo sự an toàn của người Kurd trước mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là điều mà chính phủ Syria đã làm cách đây 1 tháng, khi người Kurd bị Mỹ bỏ rơi, buộc phải cầu cứu Damascus.

Washington sẽ mất đi ảnh hưởng với người Kurd, đồng thời không thể thao túng lực lượng này giúp Mỹ thực hiện âm mưu của mình ở Syria.

Một khi người Kurd và Damascus đạt được thỏa thuận, thì chính phủ Syria sẽ tiếp quản toàn bộ mỏ dầu trên lãnh thổ mà người Kurd kiểm soát (hiện được bảo vệ bởi quân đội Mỹ).

Mỹ sẽ không còn lý do gì để tiếp tục ở lại mỏ dầu, bởi chính Washington tuyên bố sự hiện diện của quân đội nước này ở đông Syria là để bảo vệ các cơ sở dầu mỏ khỏi mối đe dọa từ IS.

Trong trường hợp Mỹ cố tình không trao trả lại mỏ dầu thì họ sẽ bị cô lập, và cũng chẳng thể khai thác, vận chuyển dầu ra khỏi lãnh thổ Syria.

Giới quan sát dự báo, có lẽ trong thời gian tới, Washington vẫn sẽ tiếp tục ngăn cản đối thoại giữa Damascus và người Kurd. Thậm chí, những hoạt động này có thể được Mỹ công khai.

Theo Trường An/Đất Việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast