Thay bóng đá bằng sake
Nakata vừa làm khách mời của chương trình “Talk Asia” trên kênh truyền hình CNN. Trong chương trình này, Nakata cởi mở chia sẻ nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp của mình. Anh có 2 đam mê lớn: bóng đá và sake. Với Nakata, bóng đá là quá khứ còn sake là hiện tại.
Nakata treo giày năm 2006, khi mới 29 tuổi. Quyết định ấy khiến rất nhiều người bất ngờ, tiếc nuối và thắc mắc. Ngôi sao từng được ví như Beckham của châu Á lý giải: “Tôi chơi bóng đơn giản vì tôi yêu bóng đá.
Nhưng cũng đến lúc niềm đam mê bóng đá trong tôi nguội lạnh. Mọi người xung quanh tôi từng cố thuyết phục tôi rút lại quyết định giải nghệ. Tôi vẫn quyết định treo giày. Tôi phải hành động theo cảm xúc của tôi thì tôi mới chính là tôi”.
Dù đôi lúc thấy nhớ sân cỏ nhưng Nakata cho biết anh không hối tiếc quyết định treo giày. Giờ anh bận theo đuổi đam mê mới, sứ mệnh mới. Nakata tự nhận mình là đại sứ văn hóa của Nhật Bản, là đại sứ sake.
Nakata muốn đưa sake đi khắp thế giới
21 tuổi, Nakata rời quê nhà để sang Italia chơi bóng. Anh thú nhận hồi ấy ngoài bóng đá ra, hầu như anh chẳng biết gì khác. Từ Perugia, anh lần lượt kinh qua Roma, Parma, Bologna rồi Fiorentina.
Ở đâu anh cũng thành danh và được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng Nakata thú thật rằng khi được mọi người hỏi về quê nhà Nhật Bản, anh hầu như không biết giới thiệu thế nào.
Chia tay sân cỏ khi mới 29 tuổi, Nakata quyết trở thành một “người Nhật chất hơn”. Anh tự tay cầm lái chiếc Toyota Harrier rong ruổi qua khắp 47 tỉnh thành của Nhật Bản để có thể hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Nhật Bản.
“Ban đầu tôi ước tính chắc chỉ cần 3 hoặc 4 tháng cho việc này. Song thực tế cần tới 7 năm để tôi hoàn thành hành trình của mình”, Nakata chia sẻ. Qua hành trình đặc biệt ấy, Nakata phải lòng sake. Anh không chỉ mê thưởng thức sake mà còn muốn đưa thứ quốc tửu của Nhật Bản chinh phục cả thế giới.
Xuất khẩu văn hóa sake ra thế giới
Nakata đã tới thăm khoàng 200 lò rượu sake trên xứ hoa anh đào. Rồi anh bắt tay cùng Takagi, một trong những lò sake nổi tiếng nhất, tung ra thị trường “N” sake, thương hiệu sake gắn với tên tuổi của anh.
Hậu trường sân cỏ thế giới chứng kiến một số ngôi sao nổi tiếng cũng lấn sân kinh doanh rượu như Andres Iniesta và Gianluigi Buffon. Nhưng họ chủ yếu thành ông chủ rượu vang theo kiểu kết hợp giữa niềm đam mê thưởng rượu và máu kinh doanh. Còn Nakata lại thiên về quảng bá văn hóa.
Anh tâm sự tiếp: “Tôi thấy có rất nhiều người trên thế giới muốn biết về Nhật Bản, về văn hóa Nhật Bản. Nhưng lại thiếu sự liên hệ cần thiết để họ có thể tìm hiểu. Tôi nghĩ mình có thể tạo nhịp cầu cho họ”.
Nakata có thể không biết nấu sake. Nhưng anh biết làm thương hiệu và biết tiếp thị cho sake. Nakata tự nhận tên tuổi mà anh tạo dựng được trên sân cỏ giúp anh có lợi thế rất lớn để hiện thực hóa tham vọng đưa sake chinh phục thế giới.
Làm ra những chai sake hảo hạng đã đành, Nakata còn bắt tay cùng các đối tác chế tạo loại tủ chuyên dụng trữ sake, sáng chế loại ly thủy tinh chuyên dùng để uống sake. Ngoài ra anh còn tung ra ứng dụng Sakenomy, ứng dụng được ví như “Google for sake”.
Với ứng dụng này, mọi người sẽ được giải đáp từ A đến Z về sake, nhất là khả năng kết hợp giữa sake với nhiều món ăn khác nhau trên thế giới. Nakata quả quyết sẽ mở chuỗi bar sake khắp toàn cầu. Anh khẳng định đấy là anh nói chứ không phải rượu nói.
Nakata mách nước uống sake Với niềm đam mê sake và kinh nghiệm thưởng thức sake của mình, Nakata không ngần ngại chia sẻ “bí kíp uống sake” cho mọi người. Theo Nakata, sake tốt nhất nên được bảo quản ở nhiệt độ từ -5 đến 0 độ C, nên được uống bằng ly thủy tinh và nên được nhâm nhi kèm mồi. |