Tối 19/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Văn Thành cùng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Thời gian qua, đặc biệt là 2 năm gần đây, trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, hiến kế nhiều giải pháp cho Chính phủ, các bộ, ngành về kiểm soát dịch bệnh.
Đồng thời tham mưu về các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong nước, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, làm tốt công tác thông tin truyền thông đối ngoại. Trong đó, ngoại giao vắc-xin đã đưa lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến.
Trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay, thông qua công tác ngoại giao kinh tế, Việt Nam đã tận dụng được các hiệp định thương mại tự do với những ưu đãi thị trường rộng mở, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, duy trì tốc độ tăng trưởng và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế; khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào lĩnh vực này.
Đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy vai trò của đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân tại các diễn đàn kinh tế đa phương. Thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu. Tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường, đối tác...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của nền ngoại giao Việt Nam, là động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững, để đời sống Nhân dân được nâng lên.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cập nhật kịp thời, hiệu quả thông tin, tình hình kinh tế thế giới; nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về ngoại giao kinh tế phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải tiếp tục thiết lập quan hệ sâu rộng với các nước sở tại. Đồng thời, tích cực quảng bá hình ảnh “thương hiệu” Việt Nam với truyền thống lịch sử, văn hóa và trí tuệ, phẩm chất con người; giới thiệu với các nước trên thế giới về một Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia.
Quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế.
Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; phát huy các tiềm năng đối tác; đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng; tăng cường tìm kiếm đối tác kết nối thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, hạ tầng trọng yếu về giao thông, đô thị, chuyển đổi số, năng lượng,..
Đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá trong ngoại giao kinh tế; khai thác hiệu quả các thị trường mới nhiều tiềm năng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Tiếp tục huy động các nguồn lực bên ngoài, hiến kế nhiều giải pháp tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác ngoại giao kinh tế cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, Nhân dân và hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với sự chung sức đồng lòng của ngành ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương, công tác ngoại giao được thực hiện theo đúng phương châm “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, hiệu quả và cùng phát triển”.
Đẩy mạnh công tác ngoại giao, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế nhằm kêu gọi xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với các đối tác nước ngoài. Hà Tĩnh cũng tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế do các bộ, ngành Trung ương tổ chức; tăng cường các hoạt động hợp tác trực tiếp, gián tiếp với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại của các nước tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài. Hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Hiện tại trên địa bàn Hà Tĩnh có 68 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến gần 16 tỷ USD với đa dạng các lĩnh vực. Hàng năm, tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi, vận động được trên 30 chương trình, dự án/năm với giá trị giải ngân bình quân từ 1,5 đến 2,5 triệu USD/năm. Các dự án đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn và hạ tầng xã hội trên địa bàn, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao, giải quyết việc làm ở nông thôn; khắc phục hậu quả thiên tai và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, Hà Tĩnh hiện có hơn 83.000 người đang làm ăn, sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài. Cộng đồng người Hà Tĩnh ở nước ngoài luôn tích cực hướng về xây dựng quê hương, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. |