Những ngày tháng Tư lịch sử, dòng người về với Ngã ba Đồng Lộc dường như vô tận
Có mặt trong dòng người hối hả đến rồi đi hôm nay, tôi đã gặp bà Hà Thị Phố gần 70 tuổi - một cựu chiến binh ở Bắc Ninh lần đầu tiên đến với mảnh đất Đồng Lộc. Không quân phục, cũng không huân huy chương trên ngực như bao người, cựu chiến binh Hà Thị Phố bình dị với bộ quần áo đời thường lẫn trong đoàn người tấp nập.
Bà Hà Thị Phố đến từng ngôi mộ, lặng người trước từng tấm bia...
Bà đến từng ngôi mộ vuốt ve những tấm bia, rồi rưng rưng ngắm nhìn những khuôn mặt đã trở nên thân quen bởi biết bao lần xem qua những thước phim tư liệu. Vậy là ước nguyện về một lần đặt chân trên vùng tọa độ chết, được thắp nén hương thơm trên mộ 10 liệt nữ TNXP đã trở thành hiện thực khi bà ở tuổi xế chiều.
Bà Phố nghẹn ngào chia sẻ: “Dẫu lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây, nhưng trong suy nghĩ, trong tình cảm của tôi, đây cũng chính là cuộc trở về. Bởi những tên đất tên làng như Ngã ba Đồng Lộc, Khe út, Khe giao, Truông Kén… cùng với những tên người: Tần, Cúc, Hợi, Rạng, Hà, Nhỏ, Xuân, Xanh... từ lâu đã trở nên quen thuộc trong suy nghĩ, trong tâm trí tôi”.
... rưng rưng xúc động khi lần đầu tiên đến với mảnh đất này
Cũng như bao thanh niên hồi đó, bà Phố cũng đã cống hiến tuổi xuân của mình trên các chiến trường phía Bắc với nhiệm vụ chăm sóc thương binh. Bởi vậy, chuyến về nguồn với những đồng đội đã nằm xuống trên vùng đất lửa này đơn giản là tiếng gọi của trái tim được xuất phát từ cái tâm của người lính. Bởi với bà, tất cả những người nằm xuống đều là đồng đội, đồng chí của mình.
Những chuyến trở về của các cựu binh xuất phát từ tiếng gọi của trái tim người lính
Trở về Đồng Lộc trong những ngày này có hàng ngàn lượt người. Những đoàn cựu binh ngực đầy huân chương lấp lánh, những em học sinh hồn nhiên tung tăng bên bố mẹ, hay những cụ già mắt đã mờ, chân đã mỏi nhưng vẫn cố gắng cùng nhau trở lại vùng đất thiêng trong mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng để được được tự mình cắm lên mộ liệt sỹ những nén hương, được sống lại những ký ức hào hùng một thưở và tiếp tục kể mãi, kể mãi cho lớp con cháu hôm nay câu chuyện hào hùng thời giữ nước.
Trong ồn ào náo nhiệt ấy, vợ chồng cựu chiến binh Thái Thanh Tùng ở Đức Thọ lại chọn cho mình một góc lặng lẽ. Lặng lẽ dâng hương, lặng lẽ ngắm nhìn ngôi mộ người đồng hương Dương Thị Xuân.
Mỗi chuyến đi về dẫu vội vàng nhưng vợ chồng ông Tùng vẫn tranh thủ về tri ân ở Ngã ba Đồng Lộc
Ông Tùng cho biết: Cùng trang lứa, cùng chí hướng nhưng tên chị tôi chỉ nghe qua tên gọi mà thôi. Ngày ấy, tôi vào bộ đội rồi từ đó hành quân vào Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi về công tác tại Trường Sỹ quan Lục quân 2 và sinh sống tại miền đất mới. Dù ở nơi xa xôi nhưng năm nào vợ chồng tôi cũng về quê hương. Mỗi lần đi về, dẫu vội vàng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tranh thủ ghé về đây để thắp hương cho đồng hương, cho những người đã ngã xuống và cũng để chứng kiến sự thay đổi, hồi sinh của vùng tọa độ chết một thời.
Nắng tháng 4 vẫn đổ lửa trên những cung đường. Nhưng ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc vẫn một không gian thanh bình, tĩnh lặng. Vòng quanh mộ của 10 cô gái, tôi đã gặp rất nhiều người đang lặng lẽ thắp hương trên từng phần mộ. Tại đây, tôi cũng được chứng kiến những phút giây ấm tình đồng đội của các cựu binh trong đoàn thương bệnh binh của tỉnh Thái Bình khi các bác cùng nhau cất cao tiếng hát. Hát cho đồng đội nghe.
Các cựu binh trong đoàn thương bệnh binh của tỉnh Thái Bình cùng nhau cất cao tiếng hát tại khu mộ 10 liệt nữ. Họ hát cho đồng đội nghe
Những âm vang hào hùng sôi nổi của một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước vang vọng cùng với tiếng gió đại ngàn như gọi về một thời trai trẻ của các anh chị. Hình ảnh của o Tần, o Cúc, chị Hợi, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hà, chị Hường hay o Rạng, o Xuân o Xanh như vẫn còn đây, trẻ trung, tươi tắn nhưng hiên ngang khí phách. Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để vẽ nên màu xanh trù phú cho quê hương.
Nơi các chị yên nghỉ đã được người dân cả nước, cán bộ công nhân viên Ban quản lý chăm sóc chu đáo
Ngày tiếp ngày, những đoàn người từ mọi miền tổ quốc vẫn nối tiếp nhau đến viếng các chị và đồng đội của họ tại Ngã ba Đồng Lộc. Giữa dòng người ấy, có những người đã từng vào sinh ra tử trên mảnh đất này. Cũng có những em nhỏ, những bạn đoàn viên, thanh niên, hay những người mới chỉ lần đầu đặt chân đến. Nhưng câu chuyện huyền thoại về cõi thiêng Đồng Lộc và sự tiếp đón tận tình chu đáo của đội ngũ cán bộ Ban quản lý Khu di tích đã thực sự gợi nên cảm giác “trở về” của biết bao người con trên khắp mọi miền tổ quốc.
Ở Khu Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, mỗi ngày làm việc của cán bộ, nhân viên đều bắt đầu từ rất sớm
... với biết bao công việc không tên
Anh Trần Đình Ước - Trưởng Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Thường mỗi ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu sớm hơn những nơi khác 30 phút và kết thúc cũng muộn hơn 30 phút với biết bao công việc không tên khác. Nhưng những ngày nghỉ lễ này, ngoài việc huy động lực lượng trực 100% thì giờ làm việc cũng sớm hơn rất nhiều. Mặc dù lượng khách đông, công việc ngoài trời vất vả, nhưng tinh thần trách nhiệm, lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đã là động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhờ đó, du khách cảm thấy ấm áp, gần gũi mỗi khi đến với Đồng Lộc”.
Địa chỉ đỏ trên cung đường huyền thoại này đã chỉ mở lối về ký ức cho các cựu binh, TNXP mà còn góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay
Vùng tọa độ chết ngày nào đã hồi sinh, trở thành địa chỉ đỏ, nơi trở về của muôn triệu người dân trong và ngoài nước. Từ những hố bom, những quần thể di tích ở Ngã ba Đồng Lộc …, thế hệ hôm nay vẫn tiếp tục kể mãi câu chuyện một thời lửa đạn, về sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh. Và cung đường huyền thoại này vẫn tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình bằng việc mở lối về ký ức cho những cựu binh, thanh niên xung phong, cho người dân mọi miền tổ quốc và con đường lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước.