Nga im lặng cho Mỹ thách đấu ở “Bắc cực”?

Mỹ tuyên bố sẽ thể hiện vai trò tích cực hơn ở Bắc Cực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và ngăn chặn Trung Quốc.

Mỹ công khai thách đấu ở Bắc Cực

Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 22/7 cho hay Mỹ sẽ thể hiện vai trò tích cực hơn ở Bắc Cực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và ngăn chặn những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chen chân vào khu vực này.

Trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Đan Mạch, Ngoại trưởng Pompeo đã hoan nghênh quyết định mở lại Lãnh sự quán Mỹ ở vùng lãnh thổ bán tự trị Greenland của quốc gia Bắc Âu này, đồng thời tuyên bố thỏa thuận hợp tác mới về ngư nghiệp bền vững và cam kết thương mại nâng cao với Quần đảo Faroe - một vùng lãnh thổ khác của Đan Mạch ở Bắc Đại Tây Dương.

Nga im lặng cho Mỹ thách đấu ở “Bắc cực”?

Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod (trái) từ chối bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 22/7 nhằm tuân thủ giãn cách

Phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đan Mạch Jeppe Kofod, Ngoại trưởng Pompeo cho hay trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Mette Frederiksen, cũng như các nhà lãnh đạo của Greenland và Quần đảo Faroe, ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự độc lập về năng lượng, đặc biệt là từ Nga.

Đáng chú ý, nhân chuyến thăm này, ông Pompeo nhận định Mỹ và các đồng minh đã phản ứng quá chậm chạp trước các lợi ích của Nga và Trung Quốc trong khu vực Bắc Cực. Phát biểu trên báo chí, Ngoại trưởng Mỹ nói: “Tôi cho là tất cả chúng ta đều tương đối ngây thơ khi quan sát không chỉ lợi ích của Nga mà cả Trung Quốc ở đó tiếp tục trở nên ngày càng năng động hơn… Chúng ta hơi chậm trễ”.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin đã cáo buộc Mỹ kích động đối đầu ở Bắc Cực nhằm giành lấy sự thống trị trong một khu vực mà Moscow vốn đầu tư rất nhiều. Cáo buộc được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố gói viện trợ trị giá 12,1 triệu USD cho Greenland nhằm tăng cường quan hệ và thúc đẩy hoạt động tìm kiếm các nguồn tài nguyên khoáng sản trên hòn đảo này.

Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Carla Sands thì cáo buộc rằng những hoạt động của Nga ở Bắc Cực là “gây hấn” và là một thách thức đối với những tham vọng hòa bình của phương Tây.

Nga im lặng cho Mỹ thách đấu ở “Bắc cực”?

Thủy thủ Mỹ dùng xẻng phá băng để tàu ngầm nổi lên ở khu vực Bắc Cực

Trả lời phỏng vấn nhật báo Politiken, Đại sứ Barbin nói: “Giờ đây, Mỹ, thay vì đối thoại và hợp tác, lại dựa rất nhiều vào chính sách đối đầu trong khu vực, hy vọng bằng cách thức đó giành lấy sự thống trị trong khu vực này của thế giới”.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nêu ra ý tưởng mua lại khu vực Greenland của Đan Mạch. Điều này đã khiến quan hệ hai nước trở nên sóng gió và ông Trump đã hủy kế hoạch thăm Đan Mạch sau đó. Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ hôm 22/7, Ngoại trưởng Đan Mạch Kofod cho biết ý tưởng về việc Mỹ mua lại Greenland không được đưa ra trong những cuộc hội đàm.

Quyết tâm của Nga, đường đi của Trung Quốc

Thời gian qua, Mỹ cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với Bắc Cực. Khi Ủy ban Quân lực Mỹ tổ chức phiên điều trần về việc bổ nhiệm người đứng đầu mới của Hải quân hồi tháng 5 vừa qua, từ “Bắc Cực” đã được nhắc tới 35 lần, còn từ “Trung Quốc” và “Nga” đã được nhắc đến 22 lần.

Theo giới phân tích, Mỹ đã từng mắc sai lầm khi không đánh giá đúng tầm quan trọng của khu vực Bắc Cực, trong khi Nga và Trung Quốc có thái độ khác hẳn đối với khu vực này và đang tăng cường hiện diện quân sự và kinh tế tại đó. Chuyên gia phân tích chính trị Heather Conley nhận định: “Sai lầm lớn nhất trong chính sách của Mỹ là không chịu hiểu ý nghĩa chiến lược cạnh tranh của các nước lớn ở Bắc Cực”.

Trên thực tế, từ năm 2013, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đề ra Chiến lược Bắc Cực quốc gia. Tuy nhiên, giới phân tích đã mỉa mai rằng chiến lược này chỉ có 13 trang nhưng có tới 6 trang là hình ảnh.

Nga im lặng cho Mỹ thách đấu ở “Bắc cực”?

Binh sĩ Mỹ tập trận trong điều kiện băng giá ở Alaska

Chuyên gia Heather Conley cảnh báo “nếu Bắc Kinh và Moscow tạo ra một liên minh chống phương Tây, đó sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với Mỹ và Nhật Bản”, vì Nga và Trung Quốc có thể hạn chế các quốc gia khác tiếp cận Thái Bình Dương và Đại Tây Dương ở phía Bắc.

Về phần mình, Moscow từ lâu đã rất coi trọng Bắc Cực, vốn được ví như “nóc nhà” của nước Nga. Đây không chỉ là khu vực có nguồn tài nguyên chưa thể đánh giá hết tiềm năng mà còn mang đến hy vọng mở ra những con đường giao thương trên biển nước Nga vẫn mơ ước hàng thế kỷ qua.

Một yếu tố quan trọng nữa là Bắc Cực đóng vai trò cực kỳ quan trọng về mặt quân sự đối với nước Nga. Giới chuyên gia Nga từ lâu đã cảnh báo khả năng nước này bị tấn công “vượt đường chân trời” từ hướng Bắc Cực.

Hồi cuối năm 2019, Phó Đô đốc Alexandr Moiseev, Tư lệnh Hạm đội biển Bắc của Nga, cho biết một mái vòm phòng không sẽ được tạo ra trên khu vực Bắc Cực của Nga khi tất cả các trung đoàn đóng tại đây đều được trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-400. Theo lời Phó Đô đốc Nga, toàn bộ vùng Zapolyaire sẽ được bảo vệ vững chắc trước bất cứ phương tiện tấn công nào của đối phương, bất kể là không quân hay tên lửa.

Nga im lặng cho Mỹ thách đấu ở “Bắc cực”?

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 là một trong những loại vũ khí được Nga ưu tiên triển khai để bảo vệ “nóc nhà” Bắc Cực

Chuyên gia khoa học lịch sử của Nga Alexei Podberezkin giải thích: “Theo kế hoạch dài hạn về xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, ở đây sẽ thiết lập một trường radar liên tục bao quanh biên giới để sớm phát hiện và tiêu diệt các loại tên lửa khác nhau. Dễ hiểu là tại sao đường biên giới phía Bắc của Nga đang thu hút sự chú ý.

Trước hết bởi vì khu vực này dễ bị tên lửa tấn công, bởi vì tầm bay ở đây ngắn hơn. Thứ hai, bởi vì trên thực tế cuộc chiến chia đất Bắc Cực đã bắt đầu với sự tham gia ngày càng tích cực của các quốc gia ngoài vùng Bắc Cực, mỗi quốc gia đều tìm cách chỉ định lĩnh vực ảnh hưởng của mình”.

Ông Alexei lưu ý rằng khu vực trách nhiệm của Nga phải được bảo vệ vững chắc: “Chúng tôi cho rằng khu vực được coi là khu vực trách nhiệm của quân đội Nga phải được bảo vệ vững chắc bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa. Sau khi thiết lập một trường radar liên tục bao quanh biên giới phía Bắc, chúng tôi sẽ tạo ra một hệ thống phòng thủ bảo vệ khỏi các cuộc tấn công qua Bắc Cực và khu vực Cực Bắc”.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra rằng, ngoài lĩnh vực quân sự thì Nga dường như đang thiếu nguồn lực để thực thi chiến lược tại Bắc Cực. Trong tình thế bị bao vây cô lập và gặp vô vàn khó khăn về kinh tế như hiện nay, Nga phải tìm đến Trung Quốc. Ví dụ điển hình là việc các ngân hàng và quỹ của Trung Quốc đã cho Nga vay tín dụng và nhận được 29,9% cổ phần trong dự án Yaman, được đánh giá là dự án khí hoá lỏng lớn nhất thế giới mà Nga triển khai ở khu vực Bắc Cực.

Theo Đông Triều/ Báo Đất Việt

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.