Nga thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt mũi

Nga sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 Sputnik V dạng xịt mũi trên tình nguyện viên trưởng thành, nhằm kiềm chế số ca nhiễm và tử vong.

Theo hồ sơ đăng ký công bố hôm 12/10, vaccine Covid-19 Sputnik V dạng xịt mũi sẽ được thử nghiệm hai liều trên tình nguyện viên trưởng thành tại một bệnh viện ở thành phố St.Petersburg. Hồ sơ không nêu thời gian thử nghiệm lâm sàng dự kiến.

Nga thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt mũi

Người dân tụ tập ở Quảng trường Đỏ tại Moskva, Nga, hôm 9/10. Ảnh: AFP

Nga đã nhanh chóng phát triển vaccine Sputnik V sau khi đại dịch bùng phát năm ngoái, nhưng việc triển khai tiêm chủng diễn ra chậm bởi nhiều người Nga e ngại trước các sản phẩm y tế mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/10 cho hay Nga cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trước tình hình Covid-19 nghiêm trọng. “Tiêm phòng giúp bảo vệ người dân khỏi nhiễm bệnh và các triệu chứng nghiêm trọng”, Putin nói. “Chúng ta cần tăng tốc độ tiêm chủng”.

Nga là vùng dịch lớn thứ 5 thế giới với 7.832.964 ca nhiễm và 218.345 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 28.190 và 973 ca.

Trong khi đó, thế giới ghi nhận 239.303.324 ca nhiễm nCoV và 4.874.613 ca tử vong, tăng lần lượt 357.419 và 6.214, trong khi 214.840.566 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Campuchia ghi nhận số ca Covid-19 giảm ngày thứ 11 liên tiếp hôm 12/10 với 267 trường hợp, nâng tổng số ca Covid-19 lên 115.335. Quốc gia này ghi nhận thêm 17 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 2.544.

Ca Covid-19 liên tục giảm tạo điều kiện thuận lợi cho Campuchia tái mở cửa. Thống đốc Phnom Penh Khuong Sreng kêu gọi “cần chú ý nhiều hơn để ngăn Covid-19 lây lan, nhằm sớm tái mở cửa ở tất cả các khu vực”. Li Ailan, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia cho hay tỷ lệ tiêm chủng cao tại quốc gia này tạo cơ sở tốt để mở cửa lại nền kinh tế.

Tiến sĩ Li Ailan cho hay mỗi ngành nghề, lĩnh vực, có thể tái mở cửa một cách an toàn, có trách nhiệm dựa theo các chính sách cân bằng về y tế cộng động và biện pháp xã hội theo hướng dẫn của ngành y tế, giám sát chặt chẽ việc thực hiện và tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch, cũng như tham gia đối thoại và liên lạc với các thành viên trong khu vực.

Thái Lan tuyên bố sẽ mở cửa cho khách du lịch đã tiêm chủng đầy đủ, đến từ những nước có nguy cơ thấp, nhập cảnh vào Thái Lan mà không cần cách ly từ ngày 1/11 trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 11/10 thông báo khách du lịch tới Thái Lan cần trình xét nghiệm PCR thực hiện trước khi xuất cảnh và sau đó làm lại xét nghiệm ở Thái Lan. Ông nói thêm sẽ có ít nhất 10 quốc gia xếp vào danh sách “nguy cơ thấp” bao gồm Singapore, Đức, Trung Quốc và Mỹ.

Thủ tướng Thái Lan nói thêm trong một năm rưỡi qua, người dân đã chung sống với thách thức lớn nhất thời bình mà đất nước từng đối mặt trong lịch sử.

“Đây cũng là một trong những trải nghiệm đau lòng nhất đời tôi, khi phải đưa ra những quyết định cân bằng giữa cứu mạng và cứu kế sinh nhai của người dân mà lựa chọn này không phải lúc nào cũng tách bạch rõ ràng. Chúng ta có thể cứu mạng lại phải sống chung với nỗi đau khó chịu đựng bởi mất thu nhập hoặc thu nhập rất ít, hoặc chúng ta có thể cứu sinh kế nhưng phải chấp nhận mất đi mạng sống của người nhà, bạn bè hay hàng xóm và trụ cột gia đình họ”, ông nói.

“Đã tới lúc chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với Covid-19 và sống chung với nó như các bệnh lây nhiễm khác, giống như chúng ta đã học cách sống chung với những bệnh khác bằng các phương pháp điều trị và tiêm chủng”.

Thái Lan là vùng dịch lớn thứ 24 thế giới với 1.730.364 ca nhiễm và 17.835 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 9.445 và 84 ca.

Theo Reuters/VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.