Ngắm những bức ảnh thắng giải Wildlife Photographer of the Year 2017

(Baohatinh.vn) - Các hạng mục giải thưởng trong cuộc thi dành cho các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Wildlife Photographer 2017, đều đã có chủ. Một triển lãm trưng bày các tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở thủ đô London, Anh vào ngày 20/10 tới.

Vượt qua khoảng 50.000 bài dự thi được gửi về từ 92 quốc gia khác nhau, nhiếp ảnh gia Brent Stirton đã được xướng tên cho danh hiệu cao quý Wildlife Photographer of the Year 2017 với bức ảnh ghi lại cảnh một con tê giác được cho là đã chết sau khi bị cắt trộm sừng ở Khu bảo tồn Hluhluwe Imfolozi Game Reserve, tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi.

Tác phẩm ấn tượng cũng giúp Stirton giành giải ở hạng mục Ảnh Câu chuyện của Wildlife Photojournalist Award (Giải thưởng Phóng viên ảnh Thiên nhiên hoang dã).

Bức ảnh chụp một chú khỉ đột đồng bằng phía tây (Western lowland gorilla) tại vườn quốc gia Odzala ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã đem về giải Young Wildlife Photographer of the Year và giải thưởng ở hạng mục giành cho các tay máy trẻ từ 15-17 tuổi cho nhiếp ảnh gia người Hà Lan Daniël Nelson.

Nhiếp ảnh gia Ashleigh Scully giành chiến thắng tại hạng mục giành cho các tay máy trẻ từ 11-14 tuổi với bức ảnh chụp một con cáo đỏ Mỹ mắc kẹt dưới lớp tuyết ở thung lũng Lamar, vườn quốc gia Yellowstone, Wyoming, Mỹ.

Bức ảnh chụp những chú mòng biển cá trích châu Âu ở Na Uy của cô bé 5 tuổi rưỡi người Italy Ekaterina Bee đã giúp em giành chiến thắng ở hạng mục giành cho các nhiếp ảnh gia trẻ từ 10 tuổi trở xuống.

Bức ảnh đoạt giải tại hạng mục Động vật không xương sống của tay máy người Australia Justin Gilligan chụp một con bạch tuộc Maori, loài bạch tuộc lớn nhất được tìm thấy tại Australia, đang cố gắng ăn thịt một con cua nhện khổng lồ.

Nhiếp ảnh gia Peter Delaney giành chiến thắng ở hạng mục Chân dung động vật với bức ảnh chụp một chú tinh tinh với khuôn mặt đầy tâm trạng, đang nằm dài trên những chiếc lá khô.

Nhiếp ảnh gia Gerry Pearce đoạt giải ở hạng mục Chim với bức ảnh chụp một chú gà tây bụi rậm Australia đực đang miệt mài đào một cái hố cho con cái để trứng. Gà tây bụi rậm Australia (Alectura lathami) không ấp trứng. Thay vào đó, chúng nhờ đến các nguồn nhiệt môi trường như đống lá cây đang phân huỷ. Sau khi con cái đẻ trứng, con đực sẽ trông giữ đám lá cây này, sử dụng một bộ phận cảm nhiệt ở mỏ trên của nó để giữ cho đống lá luôn trong nhiệt độ thích hợp nhất.

Bức ảnh chụp một chú rùa da (Leatherback Sea Turtle - loài rùa biển lớn nhất và loài bò sát lớn thứ ba trên thế giới) đang bò về phía biển giúp nhiếp ảnh gia người Mỹ Brian Skerry đoạt giải ở hạng mục Loài lưỡng cư và bò sát.

Bức ảnh chụp một con thú ăn kiến khổng lồ đang kiếm ăn ở tổ mối tại vườn quốc gia Emas, Brazil giúp nhiếp ảnh gia Marcio Cabral giành chiến thắng ở hạng mục Động vật trong môi trường sống.

Nhiếp ảnh gia Tony Wu đoạt giải ở hạng mục Động vật có vú với bức ảnh chụp hàng chục con cá nhà táng bơi lội ở vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc Sri Lanka.

Bức ảnh chiến thắng ở hạng mục Thực vật và nấm thuộc về nhiếp ảnh gia người Romania Dorin Bofan chụp ở vùng núi ở Hamnøy, Quần đảo Lofoten, Na Uy.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Anthony Berberian đoạt giải ở hạng mục Ảnh chụp dưới nước với tác phẩm chụp một ấu trùng tôm hùm và sứa Mauve Stinger.

Bức ảnh chụp bên dưới một núi băng trôi nhỏ tại căn cứ Dumont D’Urville của Pháp ở châu Nam Cực giúp nhiếp ảnh gia Laurent Ballesta (người Pháp) đoạt giải ở hạng mục Các môi trường trên Trái đất.

Bức ảnh chụp chân của những chú gấu trắng Bắc Cực giúp nhiếp ảnh gia người Luxembourg Eilo Elvinger đoạt giải ở hạng mục Ảnh đen trắng.

Những chú voi thuộc ba thế hệ di chuyển cùng nhau qua khu vực trồng cọ dầu trên đảo Borneo. Bức ảnh giúp Aaron “Bertie” Gekoski giành chiến thắng ở hạng mục Ảnh Đơn.

(Theo The Guardian)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói