Hàng trăm xe container hoa quả đông lạnh đang nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: B.NGỌC
Xuất khẩu đình trệ
Tính tới ngày 31-1, có khoảng 117 chiếc xe container chở thanh long xuất sang Trung Quốc phải nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Mỗi xe chứa từ 13-18 tấn thanh long và có hàng nghìn tấn thanh long đang nằm chờ thông quan trong ngày đầu tiên cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc dừng giao thương hàng hóa để hạn chế dịch corona lây lan.
Hoạt động giao thương tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma…, tỉnh Lạng Sơn đình trệ vì đại dịch corona bùng phát. Các cửa khẩu vùng biên hiu hắt, không còn cảnh xe cộ chất đầy hàng hóa tấp nập qua lại. Thi thoảng có một vài hành khách qua lại thăm nom cửa hàng hoặc trên đường đi du lịch trở về.
Để ngăn chặn đại dịch corona ngay từ biên giới, những ngày qua lực lượng chức năng cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc đều siết chặt thông quan, hầu hết các hành khách đều được kiểm tra y tế, trường hợp máy đo thân nhiệt phát hiện người nào có biểu hiện nhiễm virus corona sẽ không được thông quan để ngăn chặn dịch lây lan.
Dọc hơn 230 km biên giới của tỉnh Lạng Sơn lúc này, các lực lượng biên phòng, hải quan, trung tâm kiểm dịch quốc tế đang căng sức chống dịch tại 12 cửa khẩu lớn nhỏ.
Ông Lê Văn Chất, trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh - một trong những cửa khẩu xuất khẩu nông sản lớn nhất Việt Nam cho biết kể từ khi xuất hiện dịch corona, lượng nông sản, hoa quả xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh những ngày qua giảm mạnh khi các cơ quan chức năng hai nước cùng thực hiện nhiều biện pháp siết chặt thông quan để kiểm soát dịch bệnh.
Cũng theo ông Chất, trong những ngày nghỉ tết, mỗi ngày bãi xe của khẩu Tân Thanh tiếp nhận khoảng 50 container hoa quả, chủ yếu là thanh long nằm chờ để xuất sang Trung Quốc, con số này chỉ bằng 1/10 lượng xe thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh trước thời điểm nghỉ tết.
Hàng trăm xe hoa quả nằm chờ xuất khẩu nhưng bất ngờ trong ngày đầu tiên đi làm sau dịp nghỉ tết, phía Trung Quốc thông báo ngừng giao thương hàng hóa tại cửa khẩu để kiểm soát dịch bệnh, thời gian cấm biên kéo dài tới 8-2 nên nhiều tiểu thương, chủ xe không kịp xoay xở.
“Các xe đông lạnh chở thanh long xuất khẩu có thể nằm chờ tại bãi xe của khẩu cả tháng để xuất hàng, nhưng chủ xe ‘hàng hở’ - xe không có thùng đông lạnh, chở dưa hấu, chuối buộc phải quay về xuôi để bán hàng cắt lỗ” - ông Chất cho biết thêm.
Tương tự, tại cửa khẩu Cốc Nam, nhiều xe lạnh chở hoa quả xuất khẩu cũng phải nằm chờ thông quan, ông Nông Văn Tân, cán bộ trạm biên phòng cửa khẩu cho hay dịch corona đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu.
Mọi năm khoảng mùng 7 tháng giêng âm lịch, lượng hoa quả đổ dồn về Cốc Nam tăng đột biến để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp rằm tháng giêng và tiết thanh minh của người Trung Quốc. Năm nay đại dịch bùng phát, giao thương đình trệ nên các tiểu thương, chủ xe không đưa hàng về biên giới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một chủ xe đang nằm chờ tại cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: B.NGỌC
Tiểu thương lo ngại
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ xe thanh long đông lạnh vừa tới cửa khẩu Tân Thanh ngày 5 tết (29-1) cho biết chưa thể xuất hàng sang Trung Quốc vì hoạt động giao thương tại cửa khẩu đang tạm dừng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, hai vợ chồng ông đã phải bỏ rất nhiều chi phí cầu đường để đưa được xe thanh long 18 tấn từ Phan Thiết ra tới cửa khẩu Tân Thanh. Nhưng nay lệnh cấm biên kéo dài tới 8-2, các chủ xe buộc phải nằm tại cửa khẩu để chờ xuất hàng.
“Mỗi ngày nằm chờ tại cửa khẩu, ngoài chi phí bến bãi, tiền ăn nghỉ, tiền dầu để duy trì thùng lạnh, tính sơ sơ cũng gần triệu đồng, nếu thời gian nằm bãi kéo dài coi như chở không công cho chủ vựa” - ông Tuấn ngậm ngùi.
Theo ông Lữ Văn Hải, một lái xe đường dài chuyên chạy tuyến biên giới tính toán, nếu nhận trọn gói việc vận chuyển thanh long từ Bình Thuận ra cửa khẩu Tân Thanh, chủ xe thu về khoảng 75 triệu đồng, nếu suôn sẻ, trừ chi phí xăng dầu, cầu đường đi lại chủ xe bỏ túi khoảng 15 triệu.
Trường hợp xe hàng phải nằm biên quá lâu, các chủ xe, tiểu thương không chỉ phải trả thêm chi phí bến bãi, ăn ở, mà còn đối mặt với nguy cơ phải bù lỗ nếu hàng bị hư, không xuất được.
Cửa khẩu Tân Thanh, một trong 9 cửa khẩu dừng giao thương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: B.NGỌC
Chị Nguyễn Phương Lan, một tiểu thương tại chợ biên giới Tân Thanh cho hay những ngày qua đã có vài tiểu thương trở lại buôn bán sau tết, nhưng các cơ quan chức năng đã đến vận động tiểu thương ngừng buôn bán để hạn chế ảnh hưởng, lây lan của dịch bệnh.
Hầu hết các ki-ốt hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh đều đóng cửa, chị Lan lo ngại nếu hoạt động buôn bán đình trệ quá lâu, các tiểu thương sẽ lỗ nặng vì hàng hóa phải đổ bỏ.
Chín cửa khẩu ngừng giao thương Trong số 12 cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, 9 cửa khẩu phụ - cặp chợ biên giới do các địa phương quản lý đã đóng cửa để chống dịch viên phổi cấp do nhiễm virus corona. Hai cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng và cửa khẩu song phương Chi Ma do trung ương quản lý vẫn tiếp tục hoạt động - ông Nguyễn Công Trưởng, trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết. Theo vị này, phía Việt Nam gọi là các cửa khẩu phụ nhưng phía Trung Quốc gọi là cặp chợ biên giới. Chín cửa khẩu phụ - cặp chợ biên giới như Tân Thanh - Pò Chài, Chi Ma - Ái Điểm, Cốc Nam - Lũng Vài… sẽ dừng hoạt động giao thương dự kiến đến hết ngày 8-2. Trường hợp không khống chế được dịch corona, thời gian đóng biên sẽ tiếp tục kéo dài thêm. Trước đó, khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc) đã phát đi thông báo dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân trên toàn tuyến biên giới, đóng các cửa khẩu phụ - cặp chợ biên giới từ 31-1 đến 8-2 để ứng phó với dịch viêm phổi cấp do nhiễm virus corona. Văn phòng Ủy ban điều phối kinh tế - thương mại - đối ngoại thành phố Bằng Tường cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoảng 10 km cũng thông báo cho Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn về việc đóng cửa các cặp chợ biên giới giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây. Và trong những ngày này, cơ quan xuất nhập cảnh tỉnh Lạng Sơn cũng tạm dừng cấp giấy thông hành cho người dân, tiểu thương qua lại buôn bán ở vùng biên. |