Ngăn "té nước theo mưa"

Đợt điều chỉnh tiền lương từ 1/7/2024 được xem là đợt tăng lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, cùng với niềm vui đó, người dân cũng cho rằng, cần có thêm các giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả để tránh tình trạng lợi dụng chính sách đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

Chính phủ đã có đề xuất tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024; cùng với đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội cũng được tăng thêm ít nhất 15%.

Không những thế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 với mức đề xuất tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng, tuỳ vùng.

Đây thật sự là những thông tin mang lại niềm vui, hân hoan cho người làm công chức, cán bộ, lực lượng vũ trang, người nghỉ hưu và người lao động. Việc tăng lương cơ sở, tăng lương tối thiểu vùng… ngoài việc đáp ứng nhu cầu mong đợi, cải thiện đời sống của người hưởng lương và trợ cấp, còn đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách, từ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, người dân cũng không khỏi lo lắng khi tình trạng “té nước theo mưa” đã diễn ra từ trước đến nay: hễ cứ tăng lương là giá cả, dịch vụ hàng hoá lại tăng. Bởi, điều này khiến cho việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản, chứ không nâng cao được đời sống người lao động.

Thực tế cho thấy, tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng” hiện rục rịch xảy ra tại một số quán ăn, dịch vụ, chợ nhỏ lẻ, chợ đầu mối… Còn tại các siêu thị, trung tâm thương mại, giá cả hàng hóa vẫn được giữ ổn định do các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng từ trước đó. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp tham gia các chương trình bình ổn thị trường đã được các địa phương hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ trước nên giá được giữ ổn định. Theo đó, việc tăng giá đa phần tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giá cả tăng là do cung cầu thị trường quyết định, tuy nhiên, hễ cứ đến thời điểm tăng lương thì một số người lại lợi dụng để “té nước theo mưa” đẩy giá hàng hóa tăng lên, trong khi việc tăng lương không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp làm gia tăng giá cả.

Hơn nữa, việc tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng cũng chỉ là sự điều chỉnh trong một bộ phận người lao động có thu nhập cơ bản không cao và nó cũng chỉ phần nào góp phần cải thiện đời sống người lao động. Chính vì thế, việc giá cả dịch vụ tăng theo kiểu “té nước theo mưa” cần phải được kiểm soát, để niềm vui được tăng lương của người lao động trọn vẹn hơn, nhất là không ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân lao động, người có thu nhập thấp khác.

Theo đó, để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát giá cả, chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm lưu thông, cung ứng dồi dào, thúc đẩy sản xuất, không để xảy ra thiếu hàng. Các đơn vị chức năng ở địa phương như quản lý thị trường, ban quản lý chợ… cần lắng nghe phản ánh và kiểm soát “lạm phát tâm lý”, “lạm phát tin đồn, lạm phát domino”; đồng thời phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh và có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe với hoạt động dịch vụ đầu cơ, lợi dụng việc tăng lương để tăng giá.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần chủ động điều hành nhịp nhàng giá, phí các mặt hàng, dịch vụ Nhà nước quản lý như khám chữa bệnh, viện phí, học phí, điện…; đồng thời cũng thanh tra, kiểm tra thị trường về bán hàng hoá, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá; đưa ra nhiều giải pháp chủ động để tăng lương nhưng không tăng giá hàng hoá. Ngoài ra, nếu những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh quản lý được mặt bằng giá thì sẽ kéo theo các địa phương khác ổn định.

Hiện nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn khiến thu nhập giảm, người dân vẫn còn xu hướng thắt chặt chi tiêu, do đó để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải cố gắng giữ ổn định giá bán hàng hoá, đồng thời có thể tăng thêm các hình thức để kích cầu tiêu dùng. Hiện Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp để kìm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn như việc giảm thuế giá trị gia tăng trong nửa cuối năm 2024 hay điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ ổn định tỷ giá… góp phần giảm áp lực tăng giá khi tăng lương.

Nếu như tăng lương mà vẫn giữ lạm phát ổn định, giá cả các mặt hàng không tăng thì đó là một điều rất tốt. Song, nếu tăng lương mà giá cả cũng tăng thì không đem lại lợi ích cho người có thu nhập từ lương, trái lại càng gây khó khăn cho những đối tượng không có lương.

baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói