Trong số 26 mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn, có tới 25 mỏ đá, tuy nhiên hiện chỉ có khoảng 5 mỏ còn hoạt động
Theo Quyết định số 3852/QĐ-UBND vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành, số tiền thuế phải nộp của các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Kỳ Anh đều tăng thêm nhiều so với khoản thuế tạm tính và tạm thu trước đó. Ông Hoàng Minh Đức – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Kỳ Anh chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có quyết định của UBND tỉnh, chúng tôi căn cứ vào giá tạm tính của Sở Tài nguyên & Môi trường để thu thuế cấp quyền khai thác khoáng sản. Một số doanh nghiệp đã nộp đầy đủ, cũng có doanh nghiệp còn nợ thuế. Tuy nhiên, sau khi có quyết định của UBND tỉnh, với mức giá chính thức thì thuế phí này lại cao hơn nhiều”.
Theo đó, tổng số tiền phải nộp từ năm 2014 – 2019 của các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Kỳ Anh là hơn 75 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã nộp từ năm 2014 – 2018 là 24,7 tỷ đồng; số tiền còn phải nộp từ năm 2014 – 2019 là hơn 50 tỷ đồng. Khoản nợ hơn 50 tỷ đồng này bao gồm của các doanh nghiệp đã hết thời hạn khai thác (13 doanh nghiệp) và của các doanh nghiệp đang còn thời hạn khai thác (14 doanh nghiệp).
Điều đáng nói, khoản nợ hơn 50 tỷ đồng này hầu như rơi vào các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không còn hoạt động, các doanh nghiệp được cấp giấy phép nhưng không khai thác. Đơn cử như: Công ty CP Âu Lạc (Kỳ Xuân), Công ty CP Xây dựng dầu khí Nghệ An – CNHT (Kỳ Tân), Công ty CP Đầu tư – Xây dựng Hưng Thành Đạt (Kỳ Tân), Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác mỏ Trường Thọ (Kỳ Tân)…
Giao dịch tại bộ phận một cửa Chi cục Thuế huyện Kỳ Anh
Theo cán bộ ngành thuế huyện Kỳ Anh, trên địa bàn hiện có 26 mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có 25 mỏ đá và 1 mỏ đất. Qua rà soát, trong tổng số 26 mỏ khai thác khoáng sản, chỉ có 5 mỏ còn hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động của 5 mỏ này cũng hết sức khó khăn, lượng khai thác chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với trữ lượng. Nhiều lần tìm đến các địa chỉ cấp quyền khai thác khoáng sản để đốc thúc, thu hồi nợ thuế, cán bộ thuế đều bắt gặp cảnh “vườn không, nhà trống”, chủ doanh nghiệp bỏ khỏi địa điểm kinh doanh. Không tìm được chủ để đòi nợ, cán bộ thuế cũng đành "tay không" ra về.
Xác định thu hồi khoản nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, hiện nay, Chi cục Thuế huyện Kỳ Anh đang thực hiện rà soát để báo cáo lên Cục Thuế Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm tìm phương án giải quyết.
“Trường hợp doanh nghiệp nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sau thời hạn quy định ghi trên thông báo của cơ quan thuế thì ngoài số tiền phải nộp theo thông báo, tổ chức, cá nhân còn phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Vì vậy, khoản nợ này một khi treo trên hệ thống thì sẽ là cực kỳ lớn. Để đòi được khoản nợ này, không chỉ ngành thuế mà cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị” – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Kỳ Anh Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.