Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước, làm 9 trẻ em tử vong. Hiện nay, nguy cơ tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em là rất lớn khi đã bước vào kỳ nghỉ hè. Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Lồng ghép nội dung này với việc xây dựng cộng đồng an toàn - phòng, chống tai nạn thương tích.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc tập huấn cho cán bộ trạm y tế và mạng lưới nhân viên y tế thôn xóm; nhân viên tế, cán bộ phụ trách công tác y tế, cán bộ đoàn, đội trong các nhà trường; hội viên hội chữ thập đỏ; tình nguyện viên, cộng tác viên, đoàn viên thanh niên địa phương... về sơ cấp cứu các tai nạn thương tích thường gặp và đuối nước tại cộng đồng, nhằm đảm bảo sơ cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em.
Hướng dẫn triển khai thiết lập hệ thống giám sát tai nạn thương tích, đặc biệt là các trường hợp tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại cộng đồng, cơ sở y tế để kịp thời xác định các điểm nguy cơ, đề xuất những biện pháp can thiệp phù hợp.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kịp thời việc sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Định kỳ thống kê, báo cáo công tác khám, chữa bệnh đối với trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước. Tăng cường bảo đảm an toàn người bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh; phòng ngừa tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em.
Đảm bảo năng lực sơ cứu, cấp cứu của cán bộ y tế và trang thiết bị y tế trong chăm sóc chấn thương thiết yếu theo quy định hiện hành. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng trong việc tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế cấp cơ sở về sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước.
Sở Y tế cũng yêu cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện việc lồng ghép phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong việc triển khai xây dựng cộng đồng an toàn của các trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học, phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường học.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội về công tác bảo vệ trẻ em và các biện pháp phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo triển khai xây dựng môi trường an toàn, thực hiện các giải pháp kiểm soát, giảm tai nạn, thương tích trẻ em; nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn. Rà soát phương tiện, thiết bị cấp cứu, tổ chức tập huấn đảm bảo năng lực sơ cấp cứu của cán bộ y tế và trang thiết bị y tế trong chăm sóc chấn thương thiết yếu theo quy định hiện hành tại trung tâm và các trạm y tế.
Chỉ đạo trạm y tế thực hiện kịp thời việc sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, điều trị cho trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Tăng cường bảo đảm an toàn người bệnh trong các trạm y tế, phòng ngừa tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em.